MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu khó khăn, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Cà Mau nợ BHXH các loại. Ảnh: ĐẶNG DUẪN

Giải quyết thế nào khi doanh nghiệp ngoài nhà nước nợ bảo hiểm?

NHẬT HỒ LDO | 08/08/2019 11:35
Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2019, số tiền nợ BHXH các loại tại Cà Mau là trên 115 tỉ đồng, trong đó đa phần là nợ BHYT, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Nợ nhưng khó thu

Thời gian qua, BHXH tỉnh Cà Mau có nhiều chỉ đạo trong việc theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn giải pháp thu nợ, giảm nợ, phát triển đối tượng ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, tình hình nợ vẫn ở mức cao. Cụ thể, tổng nợ trên 115 tỉ đồng, chiếm 5,65% so với số phải thu (cao hơn so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao 1,72%). Riêng nợ BHYT từ ngân sách Nhà nước xấp xỉ 19,854 tỉ đồng.

Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau Trịnh Trung Kiên cho biết, hiện có 134 doanh nghiệp (DN) nợ từ 3-6 tháng với số tiền trên 5 tỉ đồng, 32 DN nợ từ 7-12 tháng trên 24 tỉ đồng; 67 DN nợ trên 12 tháng 76 tỉ đồng. Trong đó, có 6 đơn vị khó thu với số tiền trên 59 tỉ đồng (lãi trên 15 tỉ đồng), chiếm 49,32% tổng nợ của DN.

Điển hình là Công ty TNHH Nhật Đức nợ gần 3 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Thực phẩm Đại Dương gần 8 tỉ đồng… Đặc biệt, Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thuỷ sản Cadovimex nợ trên 17 tỉ đồng (trong đó lãi trên 6 tỉ đồng) và Công ty Cổ phần Kinh doanh Chế biến thuỷ sản và Xuất nhập khẩu Quốc Việt nợ trên 23 tỉ đồng.

Áp dụng nhiều giải pháp

BHXH tỉnh Cà Mau cho hay, tính đến ngày 30.6.2019, đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 65 đơn vị, trong đó thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch 20 đơn vị sử dụng lao động, thanh tra đột xuất 8 đơn sử dụng lao động, kiểm tra 24 đơn vị sử dụng lao động, 10 đại lý thu và đại diện chi trả. Tổng số nợ các đơn vị tại thời điểm thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch trên 1 tỉ đồng.

Sau khi ban hành kết luận thanh tra, 15 đơn vị chuyển nộp số tiền trên 774 triệu đồng. Kết quả 6 tháng đầu năm đã truy thu đóng BHXH cho 42 lao động, với tổng số tiền trên 353 triệu đồng.

Bên cạnh đó, trong quá trình thanh tra đột xuất, đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính tại 8 đơn vị, có 4 đơn vị bị xử phạt vi phạm hành chính trên 126 triệu đồng vì có hành vi chậm đóng BHXH, BHTN, nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào thực hiện.

Theo ông Trịnh Trung Kiên, công tác thanh tra, kiểm tra hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như khi đoàn công tác đến thì giám đốc, chủ DN đi vắng, hồ sơ không chuẩn bị kịp, đề nghị xin lùi thời gian, không có sự hợp tác... Trong khi đó, việc xử lý các đơn vị bị xử phạt nhưng chưa thực hiện đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Chủ tịch CĐCS Cadovimex Nguyễn Thành Quân cho biết, bức xúc lớn nhất hiện nay của CĐCS là DN nợ BHXH tính cả lãi trên 17 tỉ đồng, phần nợ BHXH trước đây công ty không có điều kiện đóng, chỉ đóng BHXH 5 tháng đầu năm 2019 cho người lao động còn đang làm việc tại công ty. Người lao động hiện nay rất bức xúc là họ nghỉ hưu không được chốt sổ để được hưởng chế độ, có những hoàn cảnh vô cùng khó khăn. CĐCS cũng đã có nhiều đơn gửi đến các ngành chức năng nhưng vẫn chưa có phương án hỗ trợ.

Để đảm bảo tốt quyền lợi người lao động, từ đây đến cuối năm, BHXH tỉnh Cà Mau sẽ phối hợp với đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những DN vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT đến mức xử lý hành chính thì phải xử lý. Đồng thời, BHXH tỉnh thường xuyên làm việc với các đơn vị sử dụng lao động để kịp thời hỗ trợ, tư vấn hồ sơ, thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn