MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm, đời sống của nhiều người lao động. Ảnh minh hoạ. Ảnh:T.E.A

Giải quyết vấn đề Công đoàn, người lao động trong chống dịch COVID-19

Linh Nguyên LDO | 02/04/2020 08:46
Với việc thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến việc làm, đời sống của công nhân viên chức lao động và tổ chức công đoàn do  Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu làm Tổ trưởng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ có hệ thống các kiến nghị về chính sách, giải pháp hỗ trợ và chủ động giải quyết các vấn đề liên quan đến tổ chức công đoàn theo thẩm quyền trong tham gia phòng, chống dịch COVID-19; bảo vệ quyền lợi của công nhân viên chức lao động.

Tổ công tác sẽ tổ  chức nắm bắt kịp thời, chính xác tình hình các cấp công đoàn tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và báo cáo, cập nhật tình hình với lãnh đạo Tổng Liên đoàn; Đánh giá ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với đời sống, việc làm của công nhân viên chức và tổ chức, hoạt động công đoàn; Đề xuất hệ thống các kiến nghị về chính sách, giải pháp hỗ trợ và chủ động giải quyết các vấn đề liên quan đến tổ chức công đoàn theo thẩm quyền trong tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và bảo vệ quyền lợi của công nhân viên chức lao động.

Trong đó, sẽ xây dựng kênh trao đổi thông tin thường xuyên, hàng ngày giữa bộ phận thường trực Tổ công tác với cán bộ ban chính sách – pháp luật, tuyên giáo, công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, hệ thống cộng tác viên dư luận xã hội của các địa phương, đơn vị. Tạo kết nối trực tiếp giữa bộ phận thường trực Tổ công tác với một số công đoàn cơ sở doanh nghiệp lớn, có đông đoàn viên, người lao động tại một số tỉnh, thành phố tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cao để kịp thời có hướng hỗ trợ, chỉ đạo khi xảy ra sự cố.

Tổ chức thu thập thông tin, dữ liệu về đời sống, việc làm của công nhân viên chức lao động thông qua khảo sát online, phỏng vấn trực tuyến qua các ứng dụng trên thiết bị di động, phát phiếu điều tra xã hội học, các báo cáo của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và các nguồn thứ cấp khác. Trực tiếp tiếp cận, phỏng vấn, làm việc với doanh nghiệp, người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên hoặc chính quyền các cấp trong một số trường hợp thực sự cần thiết. Lựa chọn từ 02 đến 03 liên đoàn lao động địa phương, công đoàn ngành trung ương, công đoàn Tổng công ty triển khai hiệu quả công tác tham gia phòng chống dịch COVID-19 với chính quyền địa phương; từ 01 đến 02 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện tốt công tác chỉ đạo, hỗ trợ công đoàn cơ sở thuộc phân cấp quản lý; từ 03 đến 04 công đoàn cơ sở thực hiện tốt việc tham gia với doanh nghiệp trong việc phòng chống dịch COVID-19, bảo đảm tốt đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động, triển khai hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở để phân tích, đánh giá sâu, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, nhân rộng trong toàn hệ thống.

Căn cứ kết quả báo cáo, đưa ra hệ thống các kiến nghị, trong đó tập trung đối với người lao động là chính sách về đảm bảo, duy trì, chuyển đổi việc làm; tiền lương và các chế độ khi người lao động phải nghỉ việc để cách ly, hoặc thiếu, mất việc làm do ảnh hưởng dịch bệnh; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; đảm bảo điều kiện làm việc an toàn; chế độ đối với người lao động tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp bất khả kháng …

Đối với tổ chức công đoàn là chính sách miễn, giảm, tạm hoãn thu đoàn phí, kinh phí công đoàn; hỗ trợ các thiết bị vật tư, trang bị y tế cho đoàn viên, người lao động, tham gia đóng góp cùng người sử dụng lao động trong mua thiết bị, vật tư, trang bị y tế … bằng nguồn tài chính công đoàn; các chế độ phúc lợi, dịch vụ hỗ trợ người lao động của tổ chức công đoàn; nội dung tổ chức và hoạt động công đoàn trong bối cảnh dịch bệnh, bất khả kháng.

Đối với chính quyền các cấp, đề xuất chính sách hỗ trợ một phần tiền lương, thu nhập của người lao động trong thời gian dịch bệnh, khủng hoảng; áp dụng chế độ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động không làm việc trong thời gian thực hiện cách ly; tính thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp  đối với người lao động trong thời gian dịch bệnh …

Đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong thời gian tới nên việc triển khai nghiên cứu, đánh giá phải khẩn trương, kịp thời, chính xác phản ánh đúng thực tế, sát với cơ sở và đề xuất các giải pháp có tính hệ thống và khả thi. Đi sâu phân tích, đánh giá các mô hình, cách làm hay của cơ sở trong ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19, từ đó giúp rút ra bài học, nhân rộng đối với các cấp công đoàn trong đối phó với dịch bệnh, khủng hoảng trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn