MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một căn nhà của người lao động ở Đắk Lắk đang trong quá trình hoàn thiện, nguồn vốn xây dựng được vay từ Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Ảnh: Bảo Trung

Giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động thu nhập thấp

BẢO TRUNG LDO | 29/08/2023 06:00

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Đắk Lắk đã tích cực phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai hiệu quả chương trình cho vay vốn nhà ở xã hội. Từ nguồn vốn này, nhiều cán bộ, công chức, người lao động thu nhập thấp đã hiện thực hóa mong ước an cư lạc nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội...

Hiện thực hóa ước mơ

Anh Lê Văn Luân (người lao động ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) đã có hơn 3 năm phải đi thuê trọ. Với mức lương 11 triệu đồng/tháng của 2 vợ chồng và đang nuôi con nhỏ thì để xây được ngôi nhà khang trang là việc vô cùng khó khăn.

Dù vậy, vừa qua, anh Luân đã xây dựng nhà. Anh Luân chia sẻ: “Với gia đình tôi, việc dựng căn nhà này như một sự động viên lớn lao về tinh thần, cả đời làm việc vất vả cũng chẳng dám mơ có một tổ ấm đàng hoàng. Nhờ có nguồn vốn vay từ Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ và tích cóp, vay mượn thêm tôi mới cất được căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi. Căn nhà có tổng trị giá 750 triệu đồng, trong đó gần 500 triệu đồng là vay thuộc diện đối tượng có trong Nghị định 100”.

Cũng nhờ nguồn vốn vay 300 triệu đồng, lãi suất 4,8%/năm, sau hơn 10 năm làm giáo viên, anh Nguyễn Trọng Thành (giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) mới có điều kiện để hoàn thiện căn nhà mới. Ngôi nhà với diện tích hơn 124m2, tổng trị giá hơn 700 triệu đồng. Anh Thành cũng như anh Luân từng có 3 năm sống trong nhà trọ giá rẻ, chờ ngày có tổ ấm...

Anh Thành vui mừng nói: “Đối với những giáo viên có thu nhập thấp muốn xây được một căn nhà mới tử tế là việc rất khó khăn nếu không có sự hỗ trợ từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách cộng thêm thu nhập từ gia đình và công việc làm thêm ở ngoài”.

Được biết, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đắk Lắk đang triển khai cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. Đối tượng vay vốn thuộc diện người lao động thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp... Lãi suất cho vay do Chính phủ quy định từng thời kỳ (hiện nay 4,8%/năm).

Mức cho vay tối đa lên đến 80% giá trị mua, thuê mua nhà ở xã hội; 70% giá trị dự toán xây dựng, sửa chữa nhà ở và 70% giá trị tài sản đảm bảo, không quá 500 triệu đồng. Thời hạn vay tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.

Tiếp tục tạo điều kiện cho công nhân vay vốn

Ông Bùi Quang Tuyên - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk thông tin, chương trình cho vay vốn theo Nghị định 100 rất thiết thực, đối tượng đủ điều kiện đã được thụ hưởng triển khai xây nhà, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu cho UBND huyện và Ban đại diện Hội đồng quản trị triển khai mạnh mẽ các nguồn vốn đối với Nghị định 100 kết hợp cùng các đơn vị, ban, ngành rà soát các đối tượng, đẩy nhanh nguồn vốn này đến với đối tượng thụ hưởng.

Còn theo ông Đào Thái Hòa - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đắk Lắk: Đến nay, đơn vị đã giải ngân, cho vay gần 100 tỉ đồng cho những người thuộc diện thụ hưởng trong Nghị định 100 ở phạm vi toàn tỉnh Đắk Lắk. Trong quá trình triển khai, giới thiệu tiếp cận nguồn vốn, ngân hàng cũng rà soát kỹ các đối tượng thuộc diện thụ hưởng, tránh nhầm lẫn.

Trong thời gian tới, đơn vị sẽ đề xuất thêm nguồn lực từ UBND tỉnh hòa vào nguồn vốn của Nghị định 100 để tạo điều kiện cho công chức, viên chức và người lao động thu nhập vay vốn sửa chữa, xây nhà nhằm ổn định cuộc sống, đặc biệt là những người lao động diện đồng bào dân tộc thiểu số.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn