MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân luôn mong được tăng lương để cải thiện cuộc sống. Ảnh: Bảo Hân

Giảm áp lực về tài chính cho doanh nghiệp vào đầu năm

Bảo Hân LDO | 07/01/2021 08:30
Các chuyên gia, cán bộ Công đoàn cho rằng, tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7 thay vì từ ngày 1.1 sẽ kéo giãn những điều chỉnh định kỳ liên quan đến tài chính của doanh nghiệp (DN), giảm áp lực cho DN.

Giảm áp lực cho DN

Ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (CN-CĐ), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) - phân tích: Nếu điều chỉnh lương tối thiểu vùng (LTTV) từ ngày 1.7 hằng năm thì ưu điểm là không dồn việc tăng lương vào những đợt đầu năm.

“Thời điểm này thường gắn với việc tăng lương định kỳ của DN, thưởng Tết (Dương lịch, âm lịch) cũng dồn vào thời gian này, nên ở góc độ quản lý, có thể gây ra áp lực về tài chính cho DN. Nếu chuyển thời gian điều chỉnh LTTV sang tháng 7 hằng năm sẽ kéo giãn ra những điều chỉnh định kỳ liên quan đến tài chính của DN, giảm áp lực cho DN” - ông Tiến cho biết.

Bên cạnh đó, việc tăng LTTV vào thời điểm đầu năm có thể gây ra một tác động xã hội, đẩy chỉ số giá tiêu dùng CPI trùng với đợt Tết; nếu tăng LTTV vào ngày 1.7 theo như đề xuất thì sẽ tránh được điều này.

Ông Tiến cho biết thêm, hiện nay, Chính phủ đã có chủ trương không điều chỉnh tiền LTTV của năm 2021. “Tuy nhiên, qua thông tin của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng GDP 2020 gần 3%, dự báo 2021 mặc dù còn tiềm ẩn yếu tố khó khăn, song có nhiều sáng sủa. Nếu như đợi đến 2022 mới điều chỉnh tiền LTTV thì gây rất nhiều thiệt thòi cho NLĐ, nên đáng nhẽ cần tăng LTTV sớm: Quý II hoặc Quý III/2021... chứ không thể đợi năm 2022 được”.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Đức Sinh - Chủ tịch CĐ các Khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ - cho rằng, thời điểm tăng LTTV vào tháng 7 hằng năm sẽ đỡ gây áp lực cho DN hơn. “Vì nếu tăng vào tháng 1 hằng năm thì sẽ dồn các khoản chi cuối năm, thưởng Tết vào một thời điểm, DN phải lo lượng kinh phí lớn. Giãn cách việc điều chỉnh lương tối thiểu đến tháng 7 thì DN sẽ thực hiện tốt hơn”- ông Sinh nói.

Bên cạnh đó, ông Sinh cho hay, qua nắm bắt tình hình, có một số DN khi tăng LTTV thì không tăng lương thường xuyên nữa. Trong khi đó, nhiều công nhân (CN) nhìn nhận vấn đề này chưa được rõ lắm. “Nhưng nếu giãn cách việc tăng LTTV từ ngày 1.7 hằng năm, thì đầu năm, các DN vẫn tăng lương thường xuyên cho CN, sau đó tháng 7 sẽ tăng LTTV, CN sẽ có lợi hơn” - ông Sinh nói thêm.

Ở góc độ người lao động (NLĐ), ông Sinh cho rằng, thời gian điều chỉnh không có tác động lớn đối với họ, miễn là năm nào NLĐ cũng được tăng LTTV để cuộc sống của họ bớt khó khăn hơn.

Đề nghị xem xét điều chỉnh tiền LTTV cho năm 2021

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐVN - cho biết, từ trước đến nay, có 3 vấn đề tồn tại khi điều chỉnh LTTV từ ngày 1.1 hằng năm.

Thứ nhất, đây là dịp DN phải chịu nhiều áp lực. “Các quy chế nâng lương đều phải thực hiện từ đầu năm, nên DN vừa phải lo nâng LTTV, vừa phải lo nâng lương thường xuyên cho NLĐ. Đây cũng là dịp DN phải lo thưởng Tết cho NLĐ, nên một lúc quỹ lương của DN đội lên, gây ra khó khăn, áp lực. Vì vậy, thời gian này dẫn đến tranh chấp lao động, đình công liên quan đến tiền lương thưởng. Thực tế cho thấy, gắn liền với thời điểm điều chỉnh LTTV hằng năm là tranh chấp liên quan đến tiền lương, thưởng và nâng lương tối thiểu thường tăng, ở mức hơn 30% so với các thời điểm khác” - ông Quảng cho hay.

Bên cạnh đó, vẫn theo ông Quảng, lâu nay, thường mỗi lần điều chỉnh lương là một lần là giá cả thị trường tăng theo tâm lý xã hội. Từ trước đến nay, ngày 1.7 là thời gian điều chỉnh mức lương cơ sở, nên đây là dịp thị trường nâng giá lên. Sau đó, đến đến ngày 1.1 điều chỉnh LTTV thì một lần nữa, giá cả lại đội lên. “Vì vậy, thống nhất điều chỉnh LTTV vào ngày 1.7, giá cả thị trường chỉ chịu tác động 1 lần về tâm lý xã hội” - ông Quảng nói.

Ngoài ra, theo ông Quảng, lâu nay, theo quy định của pháp luật, nhà nước định kỳ điều chỉnh mức LTTV hằng năm thông qua kỳ họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Mọi năm, vào tháng 5, tháng 6, hội đồng phải họp và lúc đó, các bộ phận nghiên cứu tình hình về chỉ số tăng trưởng kinh tế, giá tiêu dùng, năng suất lao động, tình hình việc làm… để lấy cơ sở đề xuất mức điều chỉnh LTTV.

“Tuy nhiên, lấy dữ liệu của năm này để đề xuất cho năm sau có thể thiếu tính chính xác, cập nhật, kịp thời. Vì vậy, nếu điều chỉnh LTTV từ ngày 1.7, thì chỉ cần đầu quý II của năm tiến hành nghiên cứu tình hình kinh tế, xã hội, việc làm, sức khoẻ DN… để đề xuất mức tăng sẽ sát thực tế hơn” - ông Quảng phân tích.

Ông Quảng cũng nói thêm, hiện nay, theo thông báo của Chính phủ sẽ không điều chỉnh LTTV năm 2021 mà vẫn áp dụng ở mức như năm 2020. “Tổng LĐLĐVN vẫn đề nghị từ tình hình thực tiễn, xem xét có điều chỉnh tiền LTTV cho năm 2021 bắt đầu từ ngày 1.7” - ông Quảng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn