Ký thỏa ước theo hướng có lợi hơn cho người lao động
Ông Trần Bá Lợi - Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Bình Phước - đánh giá, các TƯLĐTT được ký kết gồm nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ như tiền lương tối thiểu cao hơn 3-5% so với mức lương tối thiểu Chính phủ quy định, tiền lương thử việc ít nhất bằng 90%, khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề ít nhất 6%… Đến nay, trong nhóm đã có hơn 80% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký kết TƯLĐTT, trong đó thỏa ước loại A chiếm 12%, loại B: 65%, loại C: 22,5%, loại D: 0,35%.
Tại Quảng Nam, Công đoàn các KKT và KCN tỉnh đang quản lý 96 công đoàn cơ sở với 44.305 đoàn viên/49.665 NLĐ. Hiện gần 90% Công đoàn cơ sở đã phối hợp tổ chức đối thoại định kỳ và đột xuất với người sử dụng lao động; 81/99 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký kết TƯLĐTT (đạt tỉ lệ 81,8%).
Theo ông Huỳnh Tiến Du - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH CCI Việt Nam (KCN Bắc Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), công ty đang đảm bảo công việc ổn định cho khoảng 2.500 lao động. Ngoài tiền lương, công ty thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ bằng các khoản phụ cấp, duy trì các chính sách hỗ trợ thôi việc, đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ; xây dựng phòng vắt trữ sữa cho công nhân viên nữ đang trong thời kỳ thai sản… Bên cạnh thời gian nghỉ giữa giờ theo quy định của Bộ luật Lao động, NLĐ được nghỉ thêm các đợt nghỉ ngắn 10 phút và được tính là thời gian làm việc.
Giảm dần các thỏa ước hình thức
Ông Trần Bá Lợi trăn trở, do hình thức công khai thỏa ước chưa phù hợp nên NLĐ khó nắm bắt thông tin và không biết là doanh nghiệp có thỏa ước hay không? Cũng còn một số bản thỏa ước dù được ký nhưng chưa tổ chức lấy ý kiến của NLĐ. Có trường hợp chủ sử dụng lao động né tránh thương lượng, ký kết thỏa ước.
Nhiều doanh nghiệp tuy có ký kết TƯLĐTT nhưng chỉ là sao chép lại một số nội dung của Bộ luật Lao động, chất lượng còn hạn chế, chưa thực sự có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật. Ngoài ra, năng lực và kỹ năng đàm phán, thương lượng của Công đoàn còn yếu, chưa thật sự đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của NLĐ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Trung - Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng - cho rằng, công đoàn cấp trên cần giám sát chặt chẽ công tác thành lập Công đoàn cơ sở, để Công đoàn cơ sở đạt chất lượng, đủ năng lực đại diện, bản lĩnh trong công tác đại diện cho tập thể NLĐ thương lượng tập thể. Tránh hình thức như một số công đoàn cơ sở hiện nay. Nếu không làm tốt việc này, thì chất lượng công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT sẽ là một vòng “luẩn quẩn”.
Theo ông Nguyễn Kỳ Vĩnh - Chủ tịch Công đoàn các KKT và KCN tỉnh Quảng Nam, hiện nay việc thương lượng tập thể (TLTT) là do các bên trong quan hệ lao động quyết định trên cơ sở tự nguyện. Các quy định về chế tài xử phạt đối với việc vi phạm trong TLTT có nhưng chưa đủ mạnh, nên trong thực tế có rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng để né tránh khi nhận được yêu cầu thương lượng tập thể. Đối với Quảng Nam, hiện đã đưa nội dung TLTT, sửa đổi và ký kết mới thỏa ước LĐTT trong tiêu chí đánh giá, xếp loại khen thưởng Công đoàn cơ sở cuối năm.
Ông Nguyễn Vinh Quang - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐVN - thông tin, mục tiêu đề ra trong thời gian tới là phải nâng 55 - 60% thỏa ước đạt loại B trở lên. Dự kiến với mỗi tỉnh có 80.000 lao động trở lên thì phải ký kết ít nhất 1 thỏa ước nhóm doanh nghiệp. Cần xác định tổ chức và ký kết TLTT ở nhiều cấp độ khác nhau chứ không chỉ tập trung ở doanh nghiệp; nâng cao độ bao phủ, trong đó tập trung trọng tâm vào tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động.