MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng nghìn lao động nông thôn ở Sóc Trăng được hỗ trợ học nghề và có việc làm ổn định. Ảnh: Phương Anh

Giảm nghèo bền vững từ tham gia đào tạo nghề

PHƯƠNG ANH LDO | 20/05/2024 06:36

Hàng nghìn lao động trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có việc làm, thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững từ tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với nhu cầu thực tế.

Có việc làm nhờ học nghề ngắn hạn

Từng có thu nhập bấp bênh từ nghề bán vé số dạo thì 4 năm trở lại đây chị Sơn Thị Ngọc Bích ở xã Kế An (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đã dần ổn định cuộc sống nhờ nghề đan đát những sản phẩm mỹ nghệ từ cây lục bình. Hiện thu nhập mỗi tháng của chị từ 2-2,5 triệu đồng.

Chị Bích cho biết nhờ Hội liên hiệp phụ nữ xã Kế An hỗ trợ cho học nghề đan đát, kết thúc khóa học còn được Hội liên kết với một doanh nghiệp để nhận khung, lục bình nguyên liệu rồi phân phối lại cho các hội viên để đan.

Từ đó chị có những đơn hàng thường xuyên, giúp thu nhập đều đặn.

Tương tự đời sống gia đình của ông Nguyễn Phước Hữu ở xã Vĩnh Quới (huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) đã khá hơn trước nhờ tham gia lớp đào tạo nghề hình đan đát, thủ công mỹ nghệ.

“Tôi không có đất ruộng, lại hộ nghèo nên ai thuê gì làm nấy. Nhờ địa phương tạo điều kiện cho học nghề, lại còn được hỗ trợ 30.000 đồng/ngày. Sau khi học xong tôi nhận hàng về gia công, thu nhập cũng vài triệu/tháng. Nhờ vậy mà giờ đã thoát nghèo”, ông Hữu nói”.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2023, tỉnh đã lồng ghép thực hiện công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn từ các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Kết quả, trong năm 2023 đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo 17.540 lao động, giải quyết việc làm 29.412 lao động, đạt hơn 105% kế hoạch.

Nhìn chung, các lớp dạy nghề được mở theo nhu cầu của người học, sau khi học xong đa số lao động có việc làm, có thu nhập ổn định, giúp hàng nghìn hộ dân giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến cuối năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 2%, trong đó hộ nghèo Khmer giảm 3,01%.

16.000 - 18.000 lao động được đào tạo nghề

Theo Sở LĐTBXH tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2024 tỉnh đặt mục tiêu sẽ giải quyết việc làm mới cho khoảng 28.000 - 30.000 lao động và đào tạo nghề cho khoảng 16.000 - 18.000 lao động.

Ông Nguyễn Văn Vũ - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) cho biết, địa phương cũng chủ động liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đào tạo nghề theo đơn đặt hàng. Phối hợp ngành chức năng, UBND xã, phường xây dựng mô hình sản xuất sau đào tạo nghề nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, thu nhập cho người lao động.

Còn ông Lưu Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) cho hay, hàng năm các địa phương và trung tâm khảo sát nắm nhu cầu học nghề của người dân theo danh mục được Sở LĐTBXH tỉnh phê duyệt. Sau đó cho người dân chọn nghề học phù hợp để trung tâm mở lớp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn