MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tai nạn lao động chết người tại TPHCM trong năm 2022 và quý I/2023 chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng (ảnh minh họa). Ảnh: Nam Dương

Giám sát an toàn, giảm thiểu tai nạn lao động chết người

Nam Dương LDO | 13/04/2023 09:07
Theo thống kê của LĐLĐ TP Hồ Chí Minh, tổng số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra trên địa bàn thành phố trong năm 2022 là 75 vụ, làm thiệt mạng 78 người, bị thương 6 người, nhiều hơn 27 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Đồng thời, số người bị chết cũng nhiều hơn 30 người, số người bị thương cũng nhiều hơn 3 người so với năm 2021.

87 người chết do tai nạn lao động

Các vụ TNLĐ tập trung chủ yếu trong một số lĩnh vực xây dựng, sản xuất, dịch vụ, vận tải, giáo dục. Đáng chú ý, trong số 75 vụ trên, có 44 vụ xảy ra tại các công trình xây dựng, trong đó có 25 vụ ngã cao, 11 vụ bị điện giật. Các nguyên nhân khác như sập giàn giáo, sập sàn, sập tường sập cần bơm bêtông, vật rơi, va đập, vật đè... Cũng trong 44 vụ xảy ra tại các công trình xây dựng thì có 19 vụ xảy ra trong công trình xây dựng công nghiệp, 25 vụ xảy ra ở công trình xây dựng, sửa chữa nhà dân.

Ở lĩnh vực sản xuất cũng xảy ra 14 vụ TNLĐ làm chết người, trong đó nguyên nhân cao nhất là do điện giật với 5 vụ. Các nguyên nhân khác như vật văng, va đập, vật đè, ngạt khí, máy cuốn, kẹt thang nâng hàng, nổ nồi hơi, ngạt khí khi vệ sinh nồi hơi mỗi nguyên nhân có một vụ… Còn trong Quý I/2023, đã xảy ra 9 vụ TNLĐ  gây chết 9 người, bị thương 2 người, ít hơn 4 vụ và ít hơn 5 người chết so với cùng kỳ năm 2022.

Bà Kim Hoàng (Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TPHCM) nhận xét: Qua số liệu thống kế của năm 2022 và quý I/2023, cho thấy lĩnh vực, ngành xảy ra TNLĐ làm chết người chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ. Nguyên nhân, hầu hết các doanh nghiệp thi công không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ hoặc không có năng lực thi công công trình, thầu chính giao khoán cho thầu phụ hoặc cai thầu để thi công các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, thuê mướn người lao động (NLĐ) tự do không có hợp đồng lao động, không được trang bị kiến thức an toàn - vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cũng như các trang bị, phương tiện bảo hộ lao động.

Bà Hoàng cũng phân tích thêm, đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ), thường không xây dựng và ban hành quy trình trong quá trình vận hành máy móc thiết bị và quy trình biện pháp làm việc an toàn, chưa huấn luyện hoặc huấn luyện chưa đầy đủ về ATVSLĐ cho NLĐ, thiếu kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ, không cung cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ và năng lực nhà thầu còn hạn chế. Còn đối với NLĐ, thường chưa được huấn luyện hoặc huấn luyện chưa đầy đủ về ATVSLĐ, vi phạm nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn và không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân mặc dù có khi đã được NSDLĐ trang bị.

Giảm thiểu tai nạn lao động bằng cách nào?

Ông Đinh Quang Tùng - nguyên là giám sát xây dựng của nhiều nhà thầu xây dựng nước ngoài - cho biết: Thông thường, tất cả các công nhân (CN) khi vào một công trình xây dựng cần phải có đầy đủ hồ sơ nhân thân, giấy khám sức khỏe. Với những người làm công việc vận hành máy móc thì đòi hỏi phải có thêm chứng chỉ vận hành máy. Đồng thời, NSDLĐ phải mua bảo hiểm tai nạn 24/24 giờ cho tất cả các nhân viên tham gia xây dựng công trình. Trước khi tiến hành thi công, thường chủ đầu tư cũng yêu cầu các CN phải có giấy chứng nhận học lớp ATVSLĐ do bên thứ ba độc lập dậy và cung cấp cũng như hướng dẫn về nội quy an toàn trên công trình.

Theo ông Tùng, trên công trình xây dựng, hàng ngày, sau giờ tập thể dục, giám sát công trình sẽ họp với các tổ đội, hướng dẫn các cách lắp đặt thiết bị an toàn và chỉ ra những nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra trong khi làm việc để đề phòng. Giám sát cũng yêu cầu các CN phải trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ lao động như mũ, nón, giày, găng tay, đai an toàn… thì mới được làm việc.

“Đối với các công trình xây dựng có chủ đầu tư hoặc thi công là nước ngoài, thường yêu cầu về bảo đảm an toàn trong lao động rất cao và ít xảy ra TNLĐ hơn. Thực tế, nhiều trường hợp TNLĐ xảy ra do ý thức tuân thủ quy định về ATVSLĐ của NLĐ là chưa tốt. Chẳng hạn, khi leo cao bắt buộc phải đeo dây đai an toàn, nhưng vì dây đai này nặng đến 7,5 kg nên nhiều NLĐ lại chủ quan, bỏ qua. Có khi giám sát nhắc nhở, chụp hình NLĐ vi phạm, sau đó người này bị xử phạt lại còn thù oán, thậm chí chặn đường đánh cả giám sát” - ông Tùng chia sẻ.

Từ kinh nghiệm của mình, ông Tùng cũng khẳng định: “Công trình xây dựng nào có giám sát an toàn lao động và giám sát càng chặt chẽ thì càng giảm thiểu tai nạn lao động”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn