MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công đoàn tỉnh Hòa Bình kiểm tra việc đảm bảo ATVSLĐ-PCCN tại doanh nghiệp. Ảnh: M.T

Giám sát an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp

Mạnh Thắng LDO | 18/01/2022 10:00
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình có 225 doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở với tổng số đoàn viên, NLĐ là 27.026 người. Nhằm nâng cao nhận thức về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) trong các đơn vị, doanh nghiệp từ đầu năm 2021 đến nay, LĐLĐ tỉnh Hoà Bình phối hợp cùng địa phương và công đoàn ngành tổ chức được 11 lớp tập huấn, tuyên truyền về công tác ATVSLĐ-PCCN cho 1.029 lượt cán bộ, đoàn viên, NLĐ.

Các cấp công đoàn trong tỉnh đã tham gia 128 đoàn kiểm tra liên ngành cùng cấp, tiến hành kiểm tra công tác ATVSLĐ-PCCN tại các đơn vị, doanh nghiệp, tập trung vào các doanh nghiệp có nguy cơ mất an toàn cao như: Khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, xăng dầu, may mặc… Qua kiểm tra, một số tồn tại thường gặp ở những năm trước đã dần được khắc phục.

Một số doanh nghiệp chưa cập nhật kịp thời thông tin nên không nắm được các quy định mới về công tác ATVSLĐ-PCCN, chưa quan tâm khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, hệ thống chiếu sáng, hút bụi, chống ồn chưa đảm bảo tiêu chuẩn ảnh hướng đến sức khỏe NLĐ. chưa có biển hướng dẫn quy định vận hành máy, thiết bị, biện pháp an toàn tại nơi đặt máy.

Bởi vậy, những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng thường xảy ra và ngày càng gia tăng. Trong năm 2021, tỉnh Hòa Bình đã xảy ra 6 vụ tai nạn lao động làm 6 người chết. Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, trong đó nguyên nhân cơ bản là do nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về ATVSLĐ-PCCN của nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động, NLĐ chưa tốt, mạng lưới An toàn, vệ sinh còn chưa thật sự làm hết khả năng và nhiệm vụ.

Trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021 đã phát động với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về An toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của An toàn, vệ sinh viên”. LĐLĐ tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền địa phương, chuyên môn hướng dẫn và chỉ đạo các công đoàn cơ sở trong các đơn vị một cách hiệu quả và thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của dịch bệnh COVID-19.

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các ngành nghề có nguy cơ cao; cung cấp các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, vai trò của công tác bảo đảm ATVSLĐ-PCCN; treo băng rôn tuyên truyền trên các tuyến đường, khu, cụm công nghiệp và trung tâm thành phố.

Các doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn đến đảm bảo ATVSLĐ-PCCN trong sản xuất, kinh doanh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng; chủ động thực hiện các hoạt động tự kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tai nạn lao động; huấn luyện an toàn lao động cho NLĐ, trang bị phương tiện cá nhân, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Từ đó, hạn chế tình trạng mất ATVSLĐ, bảo đảm an toàn trong sản xuất tại các doanh nghiệp.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hoàng Kim Bảng - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh Hoà Bình) - cho biết: “Trong thời gian tới, các cấp công đoàn phối hợp với chuyên môn tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ATVSLĐ-PCCN trong đó trọng tâm là các quy định về công tác bảo hộ lao động và đẩy mạnh phong trào thi đua Xanh - sạch - đẹp, xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc, từ đó tạo được bước chuyển biến tích cực trong công tác ATVSLĐ-PCCN tại doanh nghiệp”.

Các cấp công đoàn phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ-PCCN, tập trung nhiều vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ với mục đích hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và NLD; phát động phong trào thi đua 1 triệu sáng kiến của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong đó có nhiều sáng kiến cải thiện điều kiện lao động, đảm bảo ATVSLĐ góp phần thực hiện quyền được đảm bảo an toàn tính mạng và sức khoẻ cho CNLĐ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn