MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân sản xuất thiết bị điện tử của một doanh nghiệp ở Hải Dương. Ảnh: Diệu Thuý

Giám sát thực hiện Thoả ước lao động thông qua Đoàn viên

Linh Nguyên LDO | 20/12/2021 10:17
Phương thức cung cấp dịch vụ cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) là một trong những vấn đề đang được Công đoàn quan tâm. Tại cuộc tọa đàm cấp cao giữa Tổng LĐLĐVN và Công đoàn Thiên chúa giáo Hà Lan (CNV) mới đây, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang đã dành thời gian để trao đổi về vấn đề cung cấp dịch vụ cho đoàn viên và giám sát thực hiện Thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ngành.

Đoàn viên có thể yêu cầu dịch vụ qua email

Hiện nay Công đoàn Việt Nam quan tâm tới  mô hình trung tâm tư vấn pháp luật với việc xây dựng các trung tâm tư vấn tại địa phương. Vì thế, theo Chủ tịch Nguyễn Đình Khang, kinh nghiệm trong việc tổ chức, thực hiện cung cấp dịch vụ nói chung, lĩnh vực pháp luật nói riêng của CNV là vấn đề CĐ VN muốn tìm hiểu, trao đổi.

Về hoạt động này của CNV, ông Piet Fortuin - Chủ tịch CNV - cho biết, CNV hiện có khoảng 355.000 đoàn viên. Các dịch vụ của CNV là đối thoại, thương lượng tập thể, cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý (khởi kiện ra tòa án), hỗ trợ hướng nghiệp, nghiên cứu một số vấn đề cụ thể (thông qua việc thành lập các công ty, đơn vị riêng)… Trong đó, đoàn viên của CNV sẽ có một số quyền lợi khác biệt so với người lao động không là đoàn viên được quy định cụ thể trong TƯLĐTT và một số dịch vụ do CNV cung cấp miễn phí như tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý.

Việc cung cấp các dịch vụ cho đoàn viên được CNV tổ chức đảm bảo có các cơ chế về sự liên hệ giữa cán bộ CNV và NLĐ. Hiện, do hạn chế về nhân sự nên CNV bố trí 1 cán bộ phụ trách nhiều khu vực nhưng vẫn làm tốt việc tiếp nhận thông tin từ đoàn viên. Khi có vấn đề, đoàn viên có thể gửi email, gọi điện hoặc gặp trực tiếp cán bộ phụ trách vùng. Ông Piet Fortuin lấy ví dụ dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng NLĐ vẫn được duy trì việc làm, không bị sa thải, không bị cắt giảm lương. Những vấn đề trên chỉ ảnh hưởng đến NLĐ khu vực phi chính thức vì sự tiếp cận của họ với hệ thống an sinh xã hội bị hạn chế. Để đảm bảo các hoạt động, nhất là việc bảo vệ NLĐ trong thời gian dịch bệnh, CNV thiết lập các đầu mối để giải quyết các tình huống phát sinh và việc hỗ trợ, tư vấn cho đoàn viên được thực hiện trực tuyến. 

Một vấn đề nữa được Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang quan tâm, trao đổi là cơ chế giám sát thực hiện TƯLĐTT của CĐ, bởi hiện CĐ VN đang hướng tới có được 32 bản TƯLĐTT ngành. Theo kinh nghiệm của CNV, là đưa các thoả ước cho đoàn viên để thu thập ý kiến, sau đó CNV ký với giới chủ. Khi bản thoả ước có chữ ký của 2 bên sẽ nộp lên Bộ Lao động và Việc làm của Hà Lan thông qua để có giá trị pháp lý. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có thoả ước đều phải tuân thủ các điều khoản trong thoả ước.

Ông Piet Fortuin nhấn mạnh các nội dung trong TƯLĐTT đã được tuyên truyền đến đoàn viên nên họ nắm được. Vì vậy CNV theo dõi việc thực hiện TƯLĐTT thông qua đoàn viên và người đại diện của CNV tại cơ sở. TƯLĐTT có giá trị 2-3 năm, sau đó đàm phán để bổ sung, gia hạn. Vì là là TƯLĐTT ngành nên các doanh nghiệp phải theo 1 quy định, ví dụ như mức lương - “điều này giúp tránh được hiện tượng NLĐ nhảy việc khi có mức lương khác”…

Trên 291.000 lượt NLĐ được CĐVN tư vấn pháp luật

Tại Việt Nam, đến hết tháng 10.2021, có trên 291.000 lượt NLĐ được CĐ tư vấn pháp luật; trên 600 NLĐ được CĐ hỗ trợ pháp lý, bảo vệ tại toà án. Hoạt động tư vấn pháp luật cho đoàn viên, NLĐ được đẩy mạnh. Đáng chú ý là CĐ đã tăng cường hoạt động tư vấn pháp luật trực tuyến, hỗ trợ kịp thời NLĐ, đồng thời quan tâm thực hiện quyền và trách nhiệm tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, NLĐ tại Tòa án theo quy định. 

Các cấp CĐ cũng đã tham mưu tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với NLĐ và doanh nghiệp, bàn giải pháp để khôi phục, ổn định sản xuất, đưa NLĐ quay trở lại làm việc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng giúp mỗi đoàn viên, NLĐ nâng cao ý thức về phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới, không tự phát rời nơi cư trú để về quê, đồng thời phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch tái phục hồi sản xuất, kinh doanh; phối hợp chính quyền, người sử dụng lao động tổ chức đón NLĐ trở lại làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đảm bảo việc làm cho NLĐ… Đây là những việc làm cần thiết, kịp thời để bảo vệ NLĐ và đồng hành cùng doanh nghiệp của tổ chức CĐ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn