MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuỗi nhà hàng tại Hà Nội của chị Vân mới chỉ mở được 1 cửa hàng duy nhất do thiếu nhân viên trầm trọng. Ảnh: L.H

Giảm thiếu hụt lao động: Tổ chức điều tiết, kết nối cung-cầu lao động

ANH THƯ - LƯƠNG HẠNH LDO | 22/10/2021 11:29
Trước nguy cơ thiếu hụt lao động do dòng di chuyển từ các thành phố lớn về quê, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) nhấn mạnh: Cần điều tiết lao động giữa các ngành, giữa các địa phương và giữa các doanh nghiệp trong nội bộ từng địa phương.

Mong xuống Hà Nội đi làm

Là chị gái thứ 2 trong gia đình có 3 anh em, chị Quàng Thị Hằng (SN 1999) trú tại huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) đã lựa chọn đi làm thay vì tiếp tục đi học. Trừ chi phí ăn ở, mỗi tháng chị Hằng gửi về cho gia đình 3 triệu đồng. Dịch COVID-19 bùng phát, chị Hằng rời Hà Nội về Sơn La từ ngày 17.7. Thấy thông tin tuyển dụng công nhân thời vụ ở quê, Hằng xin đi làm để đỡ đồng nào hay đồng ấy trong thời gian nghỉ dịch. Một ngày làm công nhân thời vụ, Hằng nhận được từ 100.000-200.000 đồng.

“Tôi không muốn làm công nhân thời vụ mãi vì lương không ổn định, lúc có việc lúc không có việc. Tôi vẫn muốn xuống Hà Nội để quay trở lại công việc nhưng do chưa được tiêm vaccine nên chưa yên tâm đi được” - chị Hằng nói.

Lò Văn Hùng (SN 2002) đã trở về nhà tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La hơn 3 tháng nay. Bố mẹ đều làm nông, dưới Hùng còn một em gái đang học cấp 2. Được chị họ giới thiệu vào làm nhân viên chạy bàn ở nhà hàng tại Hoàng Cầu, quận Đống Đa, TP.Hà Nội, Hùng đã có thể tự lo cho cuộc sống của mình. Trừ chi tiêu cá nhân, Hùng gửi về cho gia đình từ 2-3 triệu đồng mỗi tháng. 

“Tôi về Sơn La từ giữa tháng 7. Ở nhà hơn 3 tháng, tôi chỉ phụ giúp bố mẹ làm ruộng, không có thêm bất kỳ thu nhập nào. Hiện tại, tôi cũng muốn quay về nhà hàng để tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, phải chờ xe khách chạy lại mới có thể xuống thủ đô tiếp tục công việc” - Hùng chia sẻ.

Chị Lương Thanh Vân (SN 1988) - Trưởng phòng marketing của một chuỗi nhà hàng ăn uống tại TP.Hà Nội cho biết, trong chuỗi 4 nhà hàng, chỉ có một nhà hàng duy nhất có thể mở cửa. Trung bình một nhà hàng gồm tất cả các vị trí như chạy bàn, thu ngân, bếp… sẽ có khoảng hơn 30 nhân viên. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã khiến toàn bộ nhân viên của chuỗi nhà hàng này phải nghỉ việc về quê.

Số nhân viên còn lại khoảng hơn 10 người bị mắc kẹt tại Hà Nội. Trong thời gian họ ở tại đây, nhà hàng chỉ hỗ trợ chỗ ăn ở và một phần chi tiêu không đáng kể cho nhân viên. “Không thu được đồng nào nhưng toàn bộ chuỗi nhà hàng vẫn phải chi trả tiền ăn ở, tiền mặt bằng và rất nhiều chi phí phát sinh khác. Khi Hà Nội cho phép mở lại, chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì đã có thể hoạt động nhưng lo vì không thể đủ nhân viên làm việc” - chị Vân cho biết.

Hỗ trợ chi phí cho người lao động

Chị Hằng, anh Hùng là 2 trong số 324.000 lao động từ Hà Nội về quê. Liên quan đến sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh, Bộ LĐTBXH cho biết, có khoảng 1,3 triệu lao động dịch chuyển từ tháng 7- tháng 9.

Trước thực trạng trên, Bộ LĐTBXH yêu cầu hỗ trợ giữ chân và thu hút người lao động quay trở lại thị trường lao động về đào tạo, nâng cao kỹ năng lao động; thông tin, tư vấn, giới thiệu việc làm và các chi phí đi lại, y tế, chỗ ở, sinh hoạt phí; tập trung hỗ trợ người lao động vào làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao các chi phí như thuê nhà trọ, chi phí đi lại, sinh hoạt phí cơ bản.

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động cần được phục hồi sản xuất kinh doanh thông qua các hoạt động như hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện lao động, pháp luật về lao động việc làm trong trạng thái “bình thường mới”; tiếp tục hỗ trợ vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh; đào tạo bồi dưỡng kỹ năng cho người lao động,…

Các đơn vị tổ chức nắm thông tin, điều tiết và kết nối cung - cầu lao động: Xây dựng bộ dữ liệu về lao động việc làm có sự kết nối chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, tăng cường tổ chức các hoạt động điều tiết và kết nối cung - cầu lao động, tập trung đầu tư, tổ chức các giao dịch việc làm trực tuyến, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến có sự kết nối, liên tỉnh, liên vùng.

Theo Bộ LĐTBXH, phát triển chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, tập trung xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo, phát triển nhanh lực lượng lao động đáp ứng nên kinh tế số, kinh tế xanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn