MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu nhập thấp khiến nhiều CN may buộc phải “tình nguyện” tăng ca, tăng thêm thu nhập. Trong ảnh: CN làm việc trong một xưởng may tại tỉnh Nam Định. Ảnh: Q.CHI

Gian nan lao động ngành dệt may

Nhóm PV LDO | 03/06/2017 06:54
Dệt may Việt Nam, đặc biệt ngành may là ngành kinh tế quan trọng, có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai cả nước với giá trị xuất khẩu đóng góp từ 10-15% GDP. Lao động trong ngành này có khoảng 2,5 triệu người, trong đó 80% là nữ. Theo ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, hiện tiền lương, thu nhập của lao động ngành dệt may còn thấp, thời gian làm thêm giờ, tăng ca nhiều, đời sống khó khăn. Họ phải làm việc trong điều kiện lao động khắc nghiệt, thiếu ATVSLĐ, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và bệnh nghề nghiệp cao...

Tiền lương chỉ đáp ứng 75-80% mức sống tối thiểu

Theo kết quả nghiên cứu thực trạng điều kiện lao động ngành may Việt Nam do Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) thực hiện, hiện nay cả nước có 5.213 doanh nghiệp (DN) dệt may; số lượng lao động là 2,5 triệu người, trong đó 80% là nữ. Tiền lương cơ bản của công nhân (CN) may thấp, trung bình chỉ đạt 4.332.000 đồng/tháng, chỉ đáp ứng 75-80% mức sống tối thiểu.

Nghiên cứu này cũng cho thấy, ngành may là điển hình của việc tăng ca nhiều. Cụ thể, CN ngành may tăng ca trung bình từ 47-60 giờ/tháng (trong khi quy định của pháp luật là 30 giờ/tháng. Trung bình thu nhập từ tăng ca là 1.336.000 đồng/người, chiếm khoảng 22,4% tổng thu nhập. Trong khi pháp luật quy định làm thêm giờ của lao động ngành may tối đa là 300 giờ/năm, nhưng thực tế các DN đã cho làm thêm giờ lên tới 500 giờ/năm, thậm chí 600 giờ/năm. Bên cạnh đó, CN chỉ được hưởng các khoản phụ cấp thấp. 

Theo đó, CN có cơ hội được hưởng 8 khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác (tiền chuyên cần, nhà ở…), trung bình khoảng 300.000 đồng/tháng, thấp nhất trong các ngành thâm dụng lao động. CN chỉ được nhận lương thấp nhưng thường xuyên bị vi phạm. Có tới 60-70% các DN không tuân thủ các quy định về trả lương tăng ca, ngày nghỉ hưởng lương. Lương thấp là nguyên nhân của 80% các cuộc đình công.

Trong khi đó, giá trị bữa ăn ca thấp, không đảm bảo chất lượng. Theo thống kê của Viện Công nhân - Công đoàn, giá trị bữa ăn của ngành dệt may chưa đạt được mức khuyến cáo tối thiểu của Tổng LĐLĐVN (15.000 đồng/suất), thấp nhất trong 10 ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông.

Mất việc chỉ cần một… dấu chấm

Thực tế cho thấy, lao động trong ngành dệt may có nguy cơ bị chấm dứt HĐLĐ bất cứ lúc nào, nên họ luôn trong tình trạng hoang mang, bấp bênh. Báo cáo tổng hợp về tuân thủ lần thứ 9 (tháng 4.2017) của Better Work Việt Nam cho thấy, một trong số 10 vi phạm phổ biến nhất chính là chấm dứt HĐLĐ.

Còn một chủ tịch CĐCS của Đồng Nai cho biết, Cty anh hiện nay có 2.418 lao động, có độ tuổi trung bình là 34 và mức thu nhập bình quân là 5,5 triệu đồng/người/tháng.

“Với 16 năm hoạt động, thì đây là thời điểm Cty đang thực hiện thay máu lao động, dịch chuyển sản xuất. Sau chừng đấy năm hoạt động, đến thời điểm này, đại đa số NLĐ đã ở độ tuổi trên 30, sức khỏe đã bắt đầu suy giảm, không còn nhanh nhạy như trước. Hơn nữa, họ còn vướng bận gia đình nên chủ DN không muốn giữ lại. Bằng chứng là Cty tôi đã ngừng ký HĐLĐ đối với lao động có hợp đồng xác định thời hạn. Không phải là họ gặp khó khăn nên ngừng ký HĐLĐ, bởi lẽ họ còn mở rộng sản xuất sang các khu vực khác” - chủ tịch CĐCS này cho biết.

Theo chủ tịch CĐ này, khi NLĐ đã trên 30 tuổi, thường chủ DN sẽ tìm cách chấm dứt HĐLĐ để tuyển những lao động trẻ hơn, sức khỏe tốt hơn, trả lương ít hơn. “Nhiều DN đang áp dụng hình thức là thay tên Cty. Theo đó, họ chỉ cần thêm 1 dấu chấm vào tên Cty là đã thành Cty khác, sang chủ khác thì họ có quyền ký tiếp lao động cũ hay không. Thường thì họ sẽ tuyển lao động mới trẻ hơn, khỏe hơn, trả lương thấp hơn”. 

Những lao động bị chấm dứt HĐLĐ rất khó kiếm được công việc khác khi tuổi đã cao, sức khỏe đã suy giảm. “Nhiều lần tôi chứng kiến những CN nữ dệt may, chửa vượt mặt, vừa đi vừa khóc vì bị chấm dứt HĐLĐ. Lúc này, họ đang mang thai nên không thể kiếm được công việc khác, khiến cuộc sống rất khó khăn” - chủ tịch CĐ này chia sẻ.

Ngày 2.6, Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Thực trạng điều kiện lao động ngành may ở Việt Nam và phương thức cải thiện”. Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; bà Liliane Danso Dahmen - Giám đốc Văn phòng Quỹ Rosa Luxemburg Đông Nam Á; ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn chủ trì hội thảo. Hội thảo này nhằm chia sẻ, thảo luận kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Rosa Luxemburg, FES, Oxfam về bảo vệ quyền xã hội của NLĐ nhằm xây dựng chiến lược cải thiện điều kiện lao động cho NLĐ. Hội thảo này cũng nhằm nâng cao nhận thức rộng rãi hơn nữa về vấn đề lao động ngành may và có tác động đến việc cải thiện điều kiện lao động tại các DN dệt may, góp phần phát triển bền vững ngành may Việt Nam.

Ví dụ từ một DN dệt may được chương trình Better Work Việt Nam đưa ra cho thấy rõ nguyên nhân vì sao DN thích tăng giờ làm thêm. Nếu DN này không tăng ca, tuyển thêm 1 lao động mới thì họ phải trả những khoản sau: 100% tiền lương cho NLĐ; 26,5% cho phép năm, BHXH, BHYT, BHTN; 20-30% cho các khoản không tính vào tăng ca như chuyên cần, xăng xe, con nhỏ…; 10-15% cho nghỉ lễ, ốm đau thai sản. Tổng chi phí của DN bỏ ra là 160-180%. Trong khi đó, DN huy động 8 người thêm 1 giờ thì chi phí DN bỏ ra chỉ là 150% tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ. Nếu làm thêm giờ, DN còn có lợi thế mặt bằng lương cao hơn, do đó thu hút NLĐ tốt hơn là không làm thêm giờ mà tuyển LĐ mới. Q.C

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn