MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà công vụ tại Trường THPT Lê Hồng Phong (Quảng Bình) xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Lê Phi Long

Giáo viên gặp khó vì Quảng Bình thiếu nhà công vụ

LÊ PHI LONG LDO | 16/04/2024 08:23

Nhiều cán bộ, nhà giáo, người lao động tại tỉnh Quảng Bình gặp khó khăn khi thiếu nhà công vụ. Một số nơi nhà công vụ xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn tiếp tục phải ở vì không còn sự lựa chọn.

Nhiều trăn trở

Bà Trương Thị Ngọc Lưu - Chủ tịch Công đoàn Cơ sở Trường THPT Ninh Châu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình - cho biết, hiện trường đang có 7 phòng công vụ phục vụ cho cán bộ, nhà giáo, người lao động. Tại đây, có 4 hộ gia đình và một số cán bộ ở lại qua trưa khi đi dạy xa. “Vì nhà công vụ xây quá lâu nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Các thầy cô, người lao động tại đây chủ động sơn sửa lại trong quá trình ở tại đây” - bà Lưu nói. Công đoàn cũng đã đề xuất việc sơn sửa, thay thế nhà công vụ trên.

Hay tại Trường THPT Lê Hồng Phong (thị xã Ba Đồn), số nhà công vụ hiện có 2 dãy với 16 phòng. Hiện tại 1 dãy 8 phòng đã sử dụng hết. Dãy 8 phòng còn lại bị hư hỏng nặng, sử dụng được 3 phòng nhưng trong tình trạng không thực sự an toàn. Các phòng này được đưa vào kế hoạch xây dựng nhưng vẫn chưa có kinh phí.

Nhận định được khó khăn trên, bà Đỗ Thị Quế - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Quảng Bình - cho biết, thiếu nhà công vụ là điều trăn trở của ngành. Đặc thù của ngành Giáo dục trong giai đoạn này tình trạng thừa thiếu cục bộ nên có một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý từ trường thừa, chuyển sang trường thiếu nên tình trạng đi dạy xa nhà, có nhu cầu ở lại buổi trưa và ở lại nhà công vụ đến cuối tuần.

Bên cạnh đó, giáo viên trẻ hợp đồng theo Nghị định 111 trong năm học 2023-2024 chưa đủ nhà công vụ để bố trí nên phải đi thuê nhà, có nhiều nơi bố trí ở ghép tại phòng công vụ hiện có. Nhu cầu nhà ở công vụ cho cán bộ, nhà giáo, người lao động tập trung ở Trường THPT Nguyễn Trãi, THPT Quang Trung, THCS&THPT Bắc Sơn, THPT Phan Bội Châu…

Các nhà công vụ chủ yếu dành cho các thầy cô ở xa đến dạy. Một số thầy cô từ TP Đồng Hới lên đến các huyện vùng núi như Minh Hóa. Hay từ địa phương này đến nơi khác, cách nhau hàng chục kilômét. Những người này cần nhà công vụ để có nơi ở lại, cũng như một số ở lại qua trưa. Những trường không có phòng công vụ, các thầy cô phải chuyển sang các phòng đợi giáo viên nghỉ ngơi.

Tìm giải pháp hữu hiệu

Về hướng giải quyết, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Quảng Bình chia sẻ, lãnh đạo ngành đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Vừa qua, sở đã có nguồn của tỉnh xây ở Trường THCS&THPT Bắc Sơn (huyện Tuyên Hóa) 20 phòng 2 tầng một khu nội trú khá khang trang, tranh thủ nguồn hỗ trợ của Khối thi đua VHXH tỉnh sửa chữa 5 phòng nội trú với số tiền hơn 70 triệu đồng cho Trường THCS&THPT Trung Hóa.

Năm vừa qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã hỗ trợ cho trường THPT Nguyễn Trãi một ngôi nhà 5 phòng, 900 triệu đồng.

Trong những năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình rất quan tâm, đã đưa vào quy chế “Quỹ xã hội Công đoàn” hằng năm dành kinh phí xây dựng 1-2 khu nội trú, khoảng 5-10 phòng/năm cho lực lượng giáo viên toàn ngành, ngoài kinh phí hỗ trợ xây dựng từ nguồn quỹ xã hội Công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị các huyện, thành phố được Liên đoàn Lao động tỉnh đầu tư đối ứng thêm nguồn vốn để xây dựng.

Về Công đoàn ngành kêu gọi, tranh thủ sự giúp đỡ từ Công đoàn Giáo dục Việt Nam cùng các đơn vị trong toàn quốc, tùy thuộc vào kinh phí mỗi năm để xây dựng nhà công vụ. “Công đoàn Giáo dục Việt Nam vừa giới thiệu cho một đơn vị đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên được thực hiện bằng vật liệu thay thế vật liệu truyền thống, họ đang trong quá trình chuẩn bị khảo sát. Chúng tôi giới thiệu xây dựng tại Trường THPT Ninh Châu” - bà Quế nói.

Nhà trường và công đoàn phối hợp sắp xếp thời khóa biểu tạo điều kiện thuận lợi cho những thầy, cô ở xa không dạy tiết đầu và tiết cuối, giúp việc di chuyển thuận lợi và an toàn hơn để đi về trong ngày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn