MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô P.T.N (áo đen) rầu rĩ khi trình bày với phóng viên về những khó khăn trong cuộc sống khi bị nợ lương, chế độ. Ảnh: Hoài Luân

Giáo viên khốn cùng vì bị nợ lương, nợ tiền chế độ

Hoài Phương LDO | 16/05/2024 07:15

Liên tiếp đệ đơn để đòi quyền lợi chính đáng, đến nay nhiều giáo viên tại huyện miền núi Vân Canh (Bình Định) vẫn chưa thể yên tâm công tác khi lương, tiền chế độ vẫn còn nằm trên giấy.

Túng thiếu đến nỗi chẳng đủ tiền mua được que kem cho con

Từ cuối năm 2023, nhiều giáo viên đang công tác tại Trường THCS bán trú Canh Thuận (huyện Vân Canh) hoang mang, lo lắng khi hay tin tiền dạy tăng tiết của năm học 2022-2023 vẫn chưa rõ ngày được chi trả.

Bất đắc dĩ, 16 giáo viên của trường này đã làm đơn “đòi quyền lợi” gửi đến UBND huyện Vân Canh và các cơ quan. Đến nay, các giáo viên này vẫn chưa nhận được số tiền mà họ đã cất công đi dạy tăng ca trong suốt một năm học qua.

Theo tìm hiểu của PV, tình trạng giáo viên bị nợ tiền chế độ dạy thêm giờ, thêm lớp trong năm học 2022-2023 cũng xảy ra tại Trường THCS Canh Vinh và một số đơn vị trường khác, chứ không riêng gì Trường Canh Thuận.

Chia sẻ với Lao Động, cô P.T.N - giáo viên bị nợ tiền dạy tăng tiết tại Trường Canh Thuận - cho hay, tiền dạy thêm giờ của năm học trước đến nay vẫn chưa được chi trả, cộng với việc nợ lương ở hiện tại, khiến cho cuộc sống của gia đình cô N vốn đã khó khăn nay lại thêm vất vả.

“Trước đó, lương tháng 12.2023 bị chậm, nay thì lại chậm lương tháng 4 và 5.2024. Trong khi đó, tiền dạy thêm giờ của năm học trước cũng chưa được chi trả, đẩy tôi vào khó khăn, nợ nần, túng quẫn. Gắn bó, cống hiến cho công cuộc “trồng người” đến nay đã 15 năm, mà giờ phải đi đòi từng đồng lương, chế độ chính đáng của mình thế này, tôi rất bức xúc”, cô N rầu rĩ nói.

Theo cô N, việc bị nợ lương, chế độ khiến tinh thần và công việc giảng dạy của các giáo viên bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, cô N mong muốn sớm nhận được toàn bộ số tiền dạy tăng tiết, tiền lương bị chậm để được yên tâm công tác.

Không riêng gì trường hợp của cô N, nhiều giáo viên khác cũng gần như rơi vào cảnh “bế tắc”, thậm chí, có giáo viên còn túng thiếu đến nỗi không dám đưa con xuống TP Quy Nhơn chơi lễ 30.4-1.5, vì trong túi không có đủ tiền mua cho con mình một que kem.

Sẽ chi trả chế độ trước quý II/2024

Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Minh Chấn - Trưởng Phòng GDĐT huyện Vân Canh - cho biết, ngày 19.1.2024, đơn vị đã có quyết định phân bổ dự toán ngân sách quý I/2024, với số tiền hơn 1,2 tỉ đồng để chi trả tiền thêm giờ cho giáo viên. Tuy nhiên, Kho bạc Nhà nước huyện Vân Canh đã từ chối chi, với lý do kinh phí năm 2024 không thể chi trả thêm giờ cho năm học 2022-2023.

“Phòng GDĐT đã có kiến nghị lên huyện để tháo gỡ các vướng mắc, sớm chi trả tiền thêm giờ cho các giáo viên. Bản thân tôi đã trực tiếp làm việc với Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện để cùng gỡ vướng trong việc giải ngân, thanh toán khi các trường lập hồ sơ, thủ tục chi tiền thêm giờ, thêm lớp năm học 2022-2023. Dự kiến, trước quý II/2024 sẽ hoàn tất việc thanh toán tiền thêm giờ cho các giáo viên, trong đó có Trường Canh Thuận mà báo đã phản ánh”, ông Chấn nói.

Cũng theo vị Trưởng Phòng GDĐT huyện Vân Canh, ngay sau khi Báo Lao Động vào cuộc “đòi quyền lợi” cho giáo viên, UBND huyện Vân Canh đã ban hành Quyết định điều chỉnh và cấp kinh phí thường xuyên cho các đơn vị trường học quý II/2024. Theo đó, huyện quyết định điều chỉnh và cấp hơn 23,8 tỉ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục năm 2024, để các đơn vị trường chi trả lương, chế độ cho giáo viên.

“Ngay khi có quyết định cấp kinh phí, tôi đã trực tiếp chỉ đạo 19 đơn vị trường khẩn trương làm bảng lương tháng 4 và 5. Chậm nhất đến ngày 15.5 sẽ thanh toán xong tiền lương”, ông Chấn nói.

Ông Nguyễn Xuân Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh - cho biết, hiện nay, Kho bạc Nhà nước huyện đã thống nhất hướng giải quyết, sẽ gỡ khó cho các đơn vị trường trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục chi trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên lên kho bạc.

Nợ lương, chế độ của giáo viên là không ổn

Ngày 14.5, trao đổi với Lao Động, ông Hà Duy Trung - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Định - cho biết: “Với vai trò của tổ chức Công đoàn, chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan, ban, ngành có liên quan để bảo vệ chế độ, quyền lợi cho đoàn viên, người lao động”.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn - cho biết, sẽ chỉ đạo giải quyết tình trạng giáo viên bị nợ lương, chế độ mà Báo Lao Động phản ánh. “Tôi sẽ chỉ đạo đồng chí phó chủ tịch giải quyết vấn đề này. Để giáo viên của tỉnh bị nợ lương, chế độ như thế thì không ổn”, ông Tuấn cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn