MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên mầm non công lập mong mỏi được tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Giáo viên mầm non chờ đợi được tăng lương cơ sở

LƯƠNG HẠNH LDO | 26/10/2022 10:00
Giáo viên mầm non công lập là một trong những đối tượng gặp khó khăn trong thời gian vừa qua. Trước đề xuất nâng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, họ không khỏi vui mừng và mong chờ đề xuất sớm được triển khai trong thời gian tới.

12 năm công tác, lương 5,2 triệu đồng/tháng

Chị Ngọc Anh (SN 1987) đã có 12 năm công tác tại một trường mầm non trên địa bàn quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội. Khi vừa tốt nghiệp đại học, là công chức tập sự chị được hưởng mức lương 1,8 triệu đồng/tháng. Đến nay, hệ số lương của chị là 2,66 bậc 4 tương ứng với mức lương khoảng 5,2 triệu đồng/tháng. Nếu tính cả phụ cấp, tổng thu nhập một tháng của chị khoảng 7 triệu đồng.

Vợ chồng chị có 2 con nhỏ, một cháu 8 tuổi, một cháu 3 tuổi. Tiền học phí của 2 con đã ngốn sạch tiền lương một tháng của chị. “Tiền lương của mẹ không đủ để đóng học phí cho con”, nữ giáo viên than thở. 

Mức lương thấp nhưng nữ giáo viên cho biết chị không thể làm thêm để gia tăng thu nhập. Mỗi ngày, chị bắt đầu đi làm từ 6h30 đến 17h. “Thời gian trong ngày đều ở lớp học với học sinh. Nếu muốn bán hàng online thì tôi chỉ có thể làm vào buổi tối, nhưng tôi còn hai con nhỏ, thời gian rảnh tôi cũng muốn dành cho các con”, chị Ngọc Anh chia sẻ.

Nữ giáo viên cho biết thêm, thời gian dịch COVID-19, nhiều đồng nghiệp của chị đã phải xin nghỉ việc, bỏ nghề dạy học để làm các công việc khác. Đối với những giáo viên phải thuê trọ ở Hà Nội, gánh nặng chi tiêu trong gia đình, học phí của các con càng khiến họ không còn mặn mà với nghề.

Vượt 60km mỗi ngày để dạy học

Là giáo viên của một trường mầm non công lập tại xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, chị Vũ Trang (SN 1998) đã có lúc nghĩ đến chuyện bỏ việc. Mỗi ngày, chị phải di chuyển 60km từ nhà đến điểm trường để dạy học.

Sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng sư phạm, chị Trang dự thi kỳ thi tuyển giáo viên mầm non công lập. Nhận kết quả đỗ kỳ thi, chị bắt đầu làm viên chức tập sự với mức lương 1,7 triệu đồng/tháng. Hiện nay, chị đang hưởng hệ số lương 1,86 bậc 4; nếu tính cả phụ cấp các loại, tổng thu nhập của chị khoảng hơn 7 triệu đồng.

“Trường tôi dạy ở xã đặc biệt khó khăn của tỉnh nên được hưởng phụ cấp cao hơn các trường trong thành phố. Nhưng thú thật, điều đó không thấm vào đâu so với những gì giáo viên mầm non công lập ở vùng cao như chúng tôi phải bỏ ra”, chị Trang bày tỏ.

Theo nữ giáo viên, thời gian đầu khi vừa nhận quyết định công tác chị không khỏi ngỡ ngàng vì điều kiện sinh hoạt làm việc rất khó khăn, thiếu thốn. 3 tháng đầu tiên ở lại trường, mỗi ngày, sau cuộc gọi về cho gia đình lúc 19h, chị sớm chìm vào giấc ngủ, lấy sức làm việc cho ngày hôm sau. Bởi trên rẻo cao vùng núi không có điện, không có thú vui giải trí, nếu không đi ngủ sớm, chị sẽ tủi thân vì nhớ cậu con trai mới được 19 tháng tuổi.

“Sau 3 tháng đó tôi bắt đầu đi - về giữa nhà và trường. Đường từ thành phố đến huyện thì bằng phẳng nhưng đường từ trung tâm huyện đến điểm trường thì rất khó đi. Hôm nào trời mưa bão thì càng khổ. Những đồng nghiệp nhà xa hơn tôi, mỗi ngày phải di chuyển 70-80km để đi làm. Dần dà, chúng tôi coi chuyện đó trở thành việc rất bình thường”, chị Trang bày tỏ.

Không chỉ vậy, đa phần học sinh của chị đều là con, em người dân tộc thiểu số, quanh năm vất vả với nương rẫy, nhiều người dân không có điều kiện để cho con đi học. Đã nhiều lần, chị Trang và đồng nghiệp phải đến tận nhà vận động các gia đình cho con đi học. Với các gia đình khác, họ chỉ trông chờ khoản hỗ trợ từ nhà nước và các đoàn thiện nguyện để có tiền cho con đi học. 

Tổng thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, nhưng có tháng chị Trang phải ứng tiền lương để đóng học phí, mua sách vở cho chính học sinh của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn