MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô Nguyễn Thị Ý Mỹ (27 tuổi) giảng dạy tại điểm lẻ thôn Nước Nia ở xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, cách điểm trường chính gần 60km, đường xá đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Ngọc Viên

Giáo viên miền núi mong cải cách tiền lương, công nhân chờ nhà ở xã hội

VIÊN NGUYỄN LDO | 03/12/2023 20:15

Quảng Ngãi - Đời sống của giáo viên tại miền núi, công nhân lao động ở Quảng Ngãi còn gặp nhiều khó khăn, trăn trở. Đoàn viên công đoàn tin tưởng vào những thủ lĩnh công đoàn nhiệm kỳ 2023 - 2028 được bầu tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sẽ giúp đời sống đoàn viên công đoàn ngày càng tốt hơn.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 86.000 đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) sinh hoạt tại 1.219 công đoàn cơ sở. Trong đó, giáo viên đang giảng dạy ở các huyện miền núi như Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Tây, Minh Long, Sơn Hà đang đối mặt với nhiều khó khăn vì tiền lương còn khá thấp.

Giáo viên cắm bản ở những bản làng xa xôi, đường xá đi lại rất vất vả, nhất là vào mùa mưa lũ. Nhiều giáo viên cắm bảng hàng chục năm, xa gia đình, vợ con, nhưng việc xin luân chuyển về các trường ở gần nhà đình cũng chưa được giải quyết.

Cô giáo Nguyễn Thị Trang bên chiếc xe bị ngã dính đầy bùn đất trên đường gieo chữ ở Làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trà Bồng cho biết, huyện Trà Bồng là huyện miền núi, đời sống ĐVCĐ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là giáo viên dạy mầm non, phải di chuyển đường núi rừng rất xa xôi, ảnh hưởng đến đời sống của đoàn viên.

“Thông qua Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, chúng tôi mong muốn các cấp công đoàn quan tâm hơn nữa đến đời sống của giao viên, đầu tư cơ sở vật chất ở các huyện miền núi, đặc biệt là các trường học, trụ sở làm việc của các xã vùng cao. Đối với cán bộ bán chuyên trách, tiền lương hằng tháng đang rất thấp nên họ rất mong được tăng lương để có thêm điều kiện cống hiến” - ông Nguyễn Thanh Tùng bày tỏ.

Nhiệm kỳ 2023 - 2028, các cấp Công đoàn Quảng Ngãi tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động. Trọng tâm là đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động về tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời giờ làm việc. Tuy nhiên, nhà ở xã hội cho công nhân vẫn còn là khoảng trống, bởi Quảng Ngãi chưa có nhà ở xã hội nào dành cho công nhân, người lao động.

Ông Nguyễn Phúc Nhân - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nhu cầu nhà ở xã hội trong thời gian sắp đến của người lao động rất cao, đặc biệt về nhà ở gần nơi cho công nhân làm việc. Hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có chương trình ở Khu công nghiệp Tịnh Phong, tỉnh đã dành quỹ đất khoảng 4,05 héc ta để xây dựng nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên hiện nay dự án này cũng chưa triển khai thực hiện được, cần phải được chính quyền tỉnh và ngành chức năng xem xét, hỗ trợ để sớm trở thành hiện thực.

Quảng Ngãi có khoảng 56.000 công nhân lao động. Đa số là lao động trẻ và có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn. Ảnh: Công đoàn Quảng Ngãi.

Ông Phạm Thái Dương - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp Quảng Ngãi đang cắt giảm đơn hàng, giảm giờ làm, khiến nhiều công nhân, người lao động mất việc làm hoặc giảm thu nhập.

Trước tình hình đó, Công đoàn Việt Nam đã có những quyết sách hỗ trợ người lao động. Vì vậy, người lao động mong muốn Công đoàn Việt Nam tiếp tục có những chính sách hỗ trợ trước mắt cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động.

“Công đoàn Việt Nam cần xây dựng hệ thống phúc lợi đặc thù của công đoàn nhằm tạo sự khác biệt, mang lại lợi ích cho đoàn viên nhằm thu hút người lao động vào tổ chức công đoàn. Tập trung xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động” - ông Phạm Thái Dương đề xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn