MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Giờ thứ 9” phát sóng Thứ 5 và Chủ nhật hằng tuần trên laodong.vn. Ảnh: TUẤN ANH đồ hoạ

“Giờ thứ 9” trên Lao Động: Lắng nghe từng nhịp sống

Linh Chi - Phương Uyên LDO | 25/01/2023 09:30

Lên sóng vào tháng 1.2022, “Giờ thứ 9” nhanh chóng trở thành chương trình “ăn khách” của Báo Lao Động. Với vai trò đạo diễn, NSND Khải Hưng dành nhiều tâm huyết cho chương trình, cùng với NSND Minh Hòa, NSƯT Phú Thăng và ekip Báo Lao Động, “Giờ thứ 9” đã lên sóng được gần 40 số và sẽ tiếp tục lên sóng để phục vụ khán giả, đặc biệt là công nhân, lao động.

NSND Khải Hưng: “Giờ thứ 9” là câu chuyện cho người lao động sau 8 giờ làm việc

Tôi cùng ekip Báo Lao Động đã làm “Giờ thứ 9” hơn một năm nay. Thật ra đây là ý tưởng của Tổng Biên tập Báo Lao Động khi mong muốn có một câu chuyện cho người lao động sau 8 giờ làm việc, cũng chính vì thế chúng tôi quyết định gọi tên chương trình là “Giờ thứ 9”.

Chúng tôi muốn kể lại cuộc sống của người lao động trong các giai tầng khác nhau. Nếu có thể để họ tìm được cuộc sống của chính mình qua những câu chuyện cũng rất thú vị vì suốt ngày họ phải làm việc và có lẽ sẽ không có nhiều thời gian để ngẫm nghĩ đến cuộc đời, cuộc sống quanh họ. Đấy là mục đích sau cùng của “Giờ thứ 9”.

Sau gần 1 năm lên sóng, tôi được biết có rất nhiều người đang nghe và rất muốn nghe, thậm chí có người gọi điện đến toà soạn để hỏi về ngày giờ phát sóng. Đó là những nguồn động viên để chúng tôi làm việc. 

Để thực hiện một số phát sóng “Giờ thứ 9” cần rất nhiều khâu, đầu tiên phải có kịch bản là các truyện ngắn của các tác giả sau đó biên tập thành lời của người dẫn chuyện 1 và 2. Sau khi Báo Lao Động gửi duyệt kịch bản, ekip sẽ gửi cho các diễn viên để họ phản hồi rồi mới bắt đầu ghi hình. Các diễn viên là NSND Minh Hoà và NSƯT Phú Thăng vừa phải đọc vừa phải diễn để thuyết phục người nghe.

Khi quay xong, tôi cùng ekip Báo Lao Động sẽ phải dựng, tìm âm thanh lồng ghép nhạc sao cho truyền tải được những nội dung cần thiết trong câu chuyện. Khâu nào cũng quan trọng cả, khâu nào cũng khó, chỉ cần thiếu hụt một khâu thôi là chương trình sẽ không thể hoàn chỉnh được.

NSND Khải Hưng dành nhiều tâm huyết cho “Giờ thứ 9”.

Tôi rất khâm phục đội ngũ của Báo Lao Động vì đã hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ mà lẽ ra nếu để thực hiện một chương trình như vậy sẽ cần một đội ngũ khoảng 7-8 người nhưng Báo Lao Động chỉ cần 1-2 người mà thôi. Ở cương vị người thực hiện, tôi mong “Giờ thứ 9” sẽ tới gần hơn nữa với khán giả, có nhiều người xem thì đó là phần thưởng quý giá nhất với chúng tôi.

NSND Minh Hòa: Mong “Giờ thứ 9” san sẻ bớt gánh nặng, nhọc nhằn với người lao động

Ngay khi NSND Khải Hưng ngỏ lời mời thực hiện “Giờ thứ 9” tôi đã đồng ý ngay, một phần vì đã làm việc với NSND Khải Hưng từ khi còn rất trẻ, phần vì đây là chương trình mang khá nhiều ý nghĩa. 

Nói về độ vất vả, kể chuyện sẽ vất vả hơn khi diễn các nhân vật trong phim. Nếu như khi đóng phim thì mình sẽ chỉ sống với một nhân vật, còn khi kể chuyện thì mình sẽ phải sống với rất nhiều nhân vật, lúc thì là bà mẹ, lúc là ông bố, lúc là đứa trẻ con… với các tâm trạng, các màu sắc nhân vật khác nhau. Bởi vậy lúc nào tôi cũng phải đọc kịch bản rất kỹ.

Nhưng nói vậy, vì cũng là một nghệ sĩ nên tôi cũng không gặp nhiều khó khăn khi truyền tải các câu chuyện. Vì đã sống cùng nhân vật, đã khóc cười cùng nhân vật thì mọi sự hóa thân cũng không quá vất vả, có điều tôi phải giữ cho tiếng nói luôn được tốt, bộ hơi phải dày tiếng thì mới đủ sức làm được một kịch bản khá dài. 

Cuộc sống, xã hội muôn màu với những cung bậc cảm xúc khác nhau nên những câu chuyện của “Giờ thứ 9”, ai nghe cũng sẽ như ai, từ người già đến người trẻ, những người công nhân sẽ đều thấy đâu đó bóng dáng mình hoặc người thân của mình, hay nhiều khi có thể là câu chuyện về cuộc sống của mình trong đó. Sau những ngày làm việc vất vả, cuộc sống căng thẳng, có những câu chuyện có thể chưa biết chia sẻ thì có thể khi người đó nghe “Giờ thứ 9” sẽ thấy được tình huống mình gặp phải đã có cách hóa giải, hay đơn giản chỉ là câu chuyện đó giúp vơi đi nỗi day dứt trong lòng.

Những câu chuyện của “Giờ thứ 9” luôn là chuyện cảm động, đầy tính nhân văn, để chia sẻ bớt những gánh nặng nhọc nhằn sau những giờ lao động của người công nhân, để họ vui cùng câu chuyện, hay buồn cùng nhân vật, tìm ra hướng đi cho cuộc sống của chính họ. Chúng tôi hy vọng người lao động sẽ luôn ủng hộ những câu chuyện này, để “Giờ thứ 9” trở thành niềm vui mỗi ngày sau những giờ làm việc.

 NSƯT Phú Thăng: “Giờ thứ 9” đáng xem và nên xem

Cho đến hôm nay, tôi đã đồng hành với “Giờ thứ 9” được một chặng đường không dài cũng không phải là ngắn. Mặc dù ekip chỉ có vài người thôi nhưng chất lượng rất tốt. Tôi vẫn thường nói với bạn bè, “Giờ thứ 9” là chương trình đáng xem và nên xem.

Không có gì “đao to búa lớn”, đó chỉ là những câu chuyện thường ngày mà ai nghe đều có thể thấy mình trong đó và chương trình cũng đưa ra những giải pháp cho những câu chuyện của nhiều người.

Có những câu chuyện nhân văn mà tôi là người dẫn chuyện cũng thấy xúc động vì toàn những người tốt gặp nhau, vì nhau nhưng lại xảy ra những trái ngoe trong cuộc sống. Đó cũng là những bài học để chúng ta nhìn vào, để thấy cuộc sống này muốn tốt, những người tốt gặp nhau thì nên làm thế nào để hoàn hảo hơn.

Tôi nghĩ “Giờ thứ 9” không chỉ dành riêng cho người lao động, rất nhiều tầng lớp sẽ xem và đều có những chiêm nghiệm sau những vất vả của cuộc sống. Có thể, chúng tôi cũng giúp được một phần nhỏ cho khán thính giả trước những biến cố, trải nghiệm để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Là một người thực hiện chương trình, tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn ban lãnh đạo của Báo Lao Động đã có ý tưởng thực hiện chương trình, để đưa những câu chuyện đến với mọi người và đưa đến họ những góc nhìn, suy nghĩ nhân văn của cuộc sống.

Nghe để thấy cuộc sống thật muôn hình vạn trạng

Chị Hoàng Thị Tâm - Công ty TNHH Canon Việt Nam chia sẻ, “Tình cờ, khi truy cập vào Báo Lao Động để đọc tin tức hằng ngày tôi thấy và đã ấn vào nghe số Podcast “Giờ thứ 9 - Kẻ thứ ba vô hình”. Ban đầu, tôi ấn tượng bởi giọng đọc truyền cảm của NSND Minh Hoà và NSƯT Phú Thăng - 2 nghệ sĩ  tôi rất yêu quý.

Dành thời gian lắng nghe, tôi giật mình vì quá giống câu chuyện của mình khi xưa. Sự day dứt, ám ảnh về câu chuyện của hai nhân vật chính khiến tôi cảm thấy chút tiếc nuối nhưng cũng thấy chút may mắn vì chúng tôi đã đi đến một cái kết đẹp thay vì phải chia xa như tình yêu của hai nhân vật trong chuyện. Yêu xa, những trăn trở, khoảng cách và những khó khăn và rồi chúng tôi cũng đã vượt qua.

Tôi thấy chính mình khi xưa, cũng từng có lúc muốn buông bỏ nhưng rồi may mắn chúng tôi tìm thấy được nhau, không để mọi chuyện quá muộn để cứu vãn. Rồi tôi thầm nghĩ, nếu ai đó cũng đang gặp phải câu chuyện như vậy, sau khi nghe chương trình, họ sẽ nhận ra sự vô tâm, im lặng có thể sẽ “giết chết” tình yêu lúc nào không biết và họ nhận ra họ cần nhau hơn cả.

Từ “Kẻ thứ ba vô hình”, tôi nghe “Giờ thứ 9” không sót một số nào và gần như trở thành thói quen hằng tuần. Nghe để thấy cuộc sống thật muôn hình vạn trạng, những câu chuyện về cuộc sống xung quanh lúc thật gần gũi và cũng có lúc thật mong manh. Có những câu chuyện sao mà giống giống với cuộc sống của tôi và những người xung quanh tôi quá, khiến tôi phải giật mình. Nhưng cũng nhờ như vậy, tôi cảm giác mình như có thêm nhiều kinh nghiệm để xử lý được những câu chuyện đó và cả những câu chuyện biết đâu mình sẽ gặp trong tương lai.

Tôi mong ekip “Giờ thứ 9” sẽ thật nhiều sức khoẻ để sản xuất thêm những câu chuyện thật hay và ý nghĩa. Sau cả ngày làm việc mệt mỏi, được nằm nghe “Giờ thứ 9”, tôi giải toả những căng thẳng giữa những bộn bề cuộc sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn