MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Đặng Thị Tím xỏ nón áo mưa tại phòng trọ. Ảnh: Phương Ngân

Giới thiệu việc làm tại các chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp ở TPHCM

Phương Ngân LDO | 16/09/2023 20:00

Trong khi không ít người lao động hồi hương tìm sinh kế mới, nhiều lao động vẫn chọn TP Hồ Chí Minh làm điểm đến lập nghiệp và tìm việc qua các trung tâm dịch vụ việc làm.

Sau hơn 2 năm nghỉ việc tại một công ty may mặc ở Bình Dương để về quê sinh sống, cách đây hơn 3 tháng, chị Đặng Thị Tím (33 tuổi, quê Sóc Trăng) quyết định rời quê lên TPHCM xin việc. Chị Tím cùng hai đứa con nhỏ thuê trọ tại một con hẻm trên đường Trần Thanh Mại, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân.

Dự định lên TPHCM xin vào nhà máy làm công nhân sản xuất, nhưng tình hình sản xuất khó khăn, doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng nên thời gian đầu chị Tím không xin được việc. Thấy vậy, một người đồng hương chia sẻ cho chị một phần hàng gia công để chị có thu nhập. Chị Tím xỏ quai nón áo mưa với mỗi bó (100 cái) được khoảng 4.000 đồng/bó, nhưng hàng không có đều nên thu nhập kiếm được chẳng là bao.

Cách đây vài ngày, chị Tím may mắn xin được công việc ở công ty may túi xách, thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Nếu công việc ổn định, với mức thu nhập này chị đủ trang trải chi phí hằng ngày.

Tuổi đời còn khá trẻ, chị Lê Thị Bạch Yến (19 tuổi, quê Sóc Trăng) cũng vừa lên TPHCM để tìm việc, nhưng không có tay nghề nên gặp khó khăn khi đi xin việc. Trong lúc chưa tìm được việc làm, chị Yến nhận áo mưa về phòng trọ để gia công, mỗi bó (100 cái) chị Yến kiếm được 9.000 đồng, mỗi ngày chị kiếm được khoảng 90.000 - 100.000 đồng. Số tiền kiếm được chị Yến dùng để trang trải chi phí ăn uống hằng ngày, còn các khoản chi phí khác trông chờ vào đồng lương công nhân của chồng.

Nhiều lao động cho biết, họ thường tự đi tìm việc, đến các công ty có bảng tuyển dụng hoặc lên các trang mạng xã hội để tìm kiếm. Tuy nhiên, những trang tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội đa phần là những trang tuyển dụng không chính thống, người lao động dễ rơi vào bẫy lừa của các đối tượng xấu.

Để giúp người lao động không bị lừa khi đi xin việc, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) TPHCM, cho biết, hiện tại TPHCM có 2 điểm tiếp nhận tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động: Trung tâm DVVL Thành phố, số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 17, quận Bình Thạnh; Nơi tiếp nhận hồ sơ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên đường Nguyễn Cửu Vân, quận Bình Thạnh.

Bên cạnh đó, Trung tâm DVVL còn tiến hành tư vấn, giới thiệu việc làm trực tiếp cho người lao động hằng ngày tại 6 chi nhánh BHTN tại Quận 4, 6, 12, quận Tân Bình, Huyện Củ Chi và TP Thủ Đức.

Ngoài ra, định kỳ, Trung tâm DVVL phối hợp với một số đơn vị tổ chức các phiên sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến. Theo kế hoạch trong năm 2023, Trung tâm DVVL Thành phố tổ chức khoảng 120 sàn giao dịch việc làm. Hiện đã tổ chức hơn 100 sàn; trong tháng 9 này, Trung tâm DVVL thành phố sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm cho người khuyết tật.

“Người lao động hãy đến với Trung tâm DVVL, chúng tôi sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ, giới thiệu việc làm và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp trong trường hợp người lao động có nhu cầu học nghề để sau này có thể chuyển đổi ngành nghề, hoàn toàn miễn phí. Đối với doanh nghiệp, chúng tôi cũng kêu gọi doanh nghiệp trong trường hợp cần tuyển dụng lao động hãy đến kết nối với trung tâm để chúng ta có thể kết nối giữa người lao động với doanh nghiệp” - bà Thục nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn