MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các trường hợp công nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo của Công ty Changshin Việt Nam được nhận hỗ trợ. Ảnh: Hà Anh Chiến

Giữ việc cho 35.000 người lao động

Hà Anh Chiến LDO | 01/05/2021 21:21
Tại tỉnh Đồng Nai, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, kéo theo đó là hàng nghìn công nhân bị mất việc làm. Trong thời điểm khó khăn đó, Công ty Changshin VN (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) nổi lên như một điểm sáng trong việc chăm lo bảo vệ việc làm cho người lao động, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đơn hàng ào ào đổ về, tuyển dụng thêm lao động

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam - chia sẻ, công ty đang tập trung tuyển dụng lao động số lượng không hạn chế để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ông Tú lý giải, trong khi các doanh nghiệp khác đang khó khăn về đơn hàng thì tại công ty Changshin Việt Nam, sau khi thành công trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (các đợt trước) và bảo vệ việc làm cho 35.000 người lao động trong toàn công ty - “thương hiệu” của doanh nghiệp cũng được các đối tác đánh giá cao. Từ đó, các đơn hàng ồ ạt về không kịp sản xuất nên phải mở rộng nhà xưởng, tuyển dụng thêm lao động.

Bà Đoàn Thị Kim Loan - Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam - cho biết thêm, đơn hàng đến hết năm 2021 đã vượt gần như gấp đôi công suất của công ty. Công ty đang xây dựng 2 nhà xưởng mới nữa để đáp ứng việc thực hiện các đơn hàng. Công ty đang tuyển số lượng lao động đến hết năm 2021 là khoảng 5.000 công nhân.

Tuy vậy, để có được thành công như hiện tại, vào thời điểm dịch bệnh bùng phát trước đây, Công ty Changshin Việt Nam cũng gặp vô vàn khó khăn. Bởi công ty gia công giày, có thị phần lớn ở Mỹ, Châu Âu và nhiều nước khác. Khi dịch bệnh bùng phát nhiều nơi trên thế giới, công ty cũng bị ảnh hưởng, các đơn hàng bị cắt giảm, tác động không nhỏ tới người lao động, buộc doanh nghiệp phải nghĩ tới phương án cắt giảm lao động.

“Tuy nhiên, với phương châm lấy người lao động là trung tâm, công ty là một đại gia đình, chúng tôi tuyệt đối không để người lao động mất việc làm” - ông Tú khẳng định. Do đó, Công đoàn cơ sở công ty đã tính toán, nghiên cứu và chủ động đề xuất với chủ doanh nghiệp phương án sắp xếp lao động hợp lý để giảm gánh nặng cho công ty cũng như để giữ được việc làm cho người lao động. Có phương án như tạm ngừng việc vào ngày thứ bảy hằng tuần nhưng chuyển vào nghỉ phép năm để người lao động vẫn được hưởng lương đủ 100%.

Để phương án của Công đoàn cơ sở được áp dụng vào thực tế, Công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam đã phải nhiều lần hội họp với chủ doanh nghiệp, kiên trì thương lượng trên cơ sở chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để đưa ra được giải pháp tối ưu. “Phải hiểu được doanh nghiệp muốn gì, như thế nào sẽ tốt nhất cho người lao động nói chung và người lao động ở từng bộ phận nói riêng thì mới thương lượng thành công được” - ông Tú cho hay.

Do tác động kéo dài của dịch bệnh nên một số hoạt động như: Chương trình tuyên dương con công nhân lao động học giỏi - sống tốt, đi du lịch nghỉ mát… dù đã lên kế hoạch nhưng cũng bị đình lại. Song không vì vậy mà người lao động bị thiệt thòi, Công đoàn và công ty chuyển kinh phí dự kiến tổ chức các hoạt động trên sang hoạt động thăm, tặng quà, nhu yếu phẩm… cho người lao động nhằm hỗ trợ thiết thực họ vượt qua khó khăn thời dịch.

Đậm nét dấu ấn của Công đoàn

Công ty Changshin Việt Nam có 35.000 lao động đang làm việc tại hai nhà máy ở 2 huyện Vĩnh Cửu và Long Thành. Năm 2020, ngay từ những ngày đầu dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Ban giám đốc và Công đoàn cơ sở công ty đã tổ chức tốt các hoạt động phòng, chống dịch, tuyên truyền đến 100% lao động; bố trí giãn cách an toàn tại các chuyền làm việc, tại khu vực nhà ăn và nỗ lực đảm bảo việc làm ổn định cho 100% lao động trong công ty.

“Trong khi nhiều doanh nghiệp khác sa thải người lao động thì công ty chúng tôi mặc dù có số lao động lớn nhưng vẫn giữ được việc làm cho tất cả người lao động, không để một công nhân nào bị sa thải. Lý do có được thành công đó xuất phát cam kết giữa người sử dụng lao động và Công đoàn cơ sở công ty. Từ năm 2008 khi xảy ra tình trạng suy thoái kinh tế, Công đoàn cơ sở công ty đã xác lập được cam kết với doanh nghiệp là không cắt giảm bất cứ người lao động nào và cam kết đó vẫn được duy trì cho đến nay như một nét văn hoá của công ty.

Do đó, ngay từ khi đại dịch xuất hiện, chúng tôi đã đặt vấn đề với doanh nghiệp vì đơn hàng giảm rất sâu, từ tháng 4, tháng 5.2020 giảm 25% đồng nghĩa phải giảm số lượng người lao động rất lớn. Tuy nhiên, do 2 bên Công đoàn và doanh nghiệp có cái nhìn chung nên đã có sự chia sẻ với nhau, cùng ngồi lại chọn giải pháp giảm bớt giờ làm việc để bảo vệ việc làm cho người lao động. Việc giảm bớt giờ làm là giảm bớt thu nhập của người lao động, tuy nhiên nó ở mức độ chấp nhận được để bảo vệ người lao động” - ông Tú cho hay.

Ông Tú cũng hồ hởi khoe, sau tháng 8.2020, đơn hàng trở lại, lực lượng lao động không hề giảm, doanh nghiệp càng trở nên vững vàng, và chỉ có tiến lên. Những tháng cuối năm là những tháng công ty gặt hái rất nhiều thành công.

Chị Lê Thị Hà (47 tuổi) - công nhân Công ty Changshin Việt Nam - nói rằng: “Công ty không chỉ giữ được việc làm cho người lao động mà còn giúp những người lao động có hoàn cảnh khó khăn như gia đình chúng tôi vượt qua khó khăn”. Chị Hà có chồng cùng làm việc tại công ty và anh mắc bệnh hiểm nghèo. Gia đình chị Hà đang rất khó khăn khi cả con trai của anh chị cũng mới phát hiện bị bệnh hiểm nghèo. Do đó, Công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam đã tổ chức chương trình “Vòng tay nhân ái”, chi hơn 523 triệu đồng để hỗ trợ 12 công nhân bị bệnh hiểm nghèo. Trung bình mỗi công nhân nhận được hơn 43,5 triệu đồng, trong đó có gia đình chị Hà.

Ngoài ra, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, Công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam cũng đã trao tặng tổng số tiền hơn 2,2 tỉ đồng đóng góp hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Đồng Nai và 300 triệu đồng đóng góp nhằm ngăn chặn xâm nhập mặn, hạn hán ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên. Đây là số tiền đóng góp của toàn bộ công nhân lao động và ban giám đốc công ty.

Trong đợt bão lũ vừa qua, các cán bộ Công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam cũng đã trực tiếp về các tỉnh miền Trung để hỗ trợ người dân với số tiền hơn 2,5 tỉ đồng. Trong số tiền đó cũng có sự đóng góp lớn từ 35.000 người lao động công ty.

“Phải hiểu được doanh nghiệp muốn gì, như thế nào sẽ tốt nhất cho người lao động nói chung và người lao động ở từng bộ phận nói riêng thì mới thương lượng thành công được” - ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam - cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn