MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các chuyên gia tham gia tư vấn về pháp luật lao động và cách nhận diện "tín dụng đen" cho đoàn viên, người lao động. Ảnh: Hà Anh

Giúp công nhân lao động nhận diện “tín dụng đen”

Hà Anh LDO | 31/05/2023 17:13

Ngày 31.5, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) tổ chức buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với công nhân, viên chức, lao động với chủ đề “Nâng cao kiến thức pháp luật lao động và nhận diện tín dụng đen”. Buổi giao lưu có sự tham gia của gần 300 đoàn viên, người lao động.

Nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động

Đây là hoạt động thiết thực nhằm chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp, Tháng Công nhân năm 2023; đồng thời trang bị cho các đơn vị, doanh nghiệp, CNVCLĐ những kiến thức thiết thực liên quan tới pháp luật lao động và nhận diện "tín dụng đen".

Tham gia giải đáp câu hỏi của đoàn viên, người lao động tại buổi đối thoại có các chuyên gia: Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội; Luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an.

Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết, nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động là nhiệm vụ mang tính thường xuyên, liên tục của tổ chức Công đoàn nhằm giúp người lao động giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội theo pháp luật; hạn chế tình trạng xung đột trong mối quan hệ với người sử dụng lao động.

“Có nắm rõ pháp luật thì người lao động mới có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình và người sử dụng lao động không vi phạm pháp luật, không xâm hại các quyền lợi hợp pháp của người lao động, từ đó tạo môi trường hoạt động ổn định phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh nội dung về pháp luật lao động, cuộc đối thoại sẽ đề cập đến một trong những vấn đề đang rất nóng trong xã hội, nhất là với công nhân lao động, đó là nạn “tín dụng đen”. Vấn nạn đang âm thầm bòn rút sức lao động của không ít người lao động” - ông Đinh Tuấn Anh cho hay.

Người lao động có thể vay tiền từ Quỹ của công đoàn

Tại buổi giao lưu, chị Nguyễn Thu Huyền - Giáo viên Trường Tiểu học Tây Mỗ muốn các chuyên gia giới thiệu một số app, thủ tục cho vay hợp pháp.

Tư vấn cho chị Huyền, ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết, nguồn tín dụng tin cậy nhất là các ngân hàng, các tổ chức tín dụng của Nhà nước.

Ở góc độ tổ chức Công đoàn, ông Dưỡng đã giới thiệu với các đoàn viên, người lao động về địa chỉ vay vốn tin cậy là Quỹ Trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình. 

“Đây là đơn vị trực thuộc LĐLĐ thành phố Hà Nội, có một trong những chức năng là cho vay vốn, hỗ trợ CNVCLĐ thực hiện các mục đích như: Chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, tạo thêm việc làm tăng thu nhập; mua sắm phương tiện sinh hoạt, sửa chữa nhà; học nghề… với mức vay từ 40 đến 50 triệu đồng, lãi suất cực kỳ ưu đãi, thủ tục giải ngân nhanh gọn. Để có thể vay vốn từ Quỹ trợ vốn, đoàn viên, người lao động đăng ký qua Công đoàn cơ sở để được bảo lãnh và hướng dẫn về thủ tục” - ông Dưỡng cho hay.

Người lao động đặt câu hỏi với các chuyên gia. Ảnh: Hà Anh 

Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu cho hay, trên không gian mạng có rất nhiều lời chào mời cho vay tiền, nếu chỉ dừng ở hành động này họ chưa sai, chỉ sai khi thực hiện cho vay với lãi suất cao, cần cơ quan vào cuộc, điều tra làm rõ.

“Những người không liên quan khoản vay cũng bị khủng bố, tình trạng này là có. Hiện nay tình trạng quảng cáo cho vay dưới mặt đất như dán trên cột điện… đã giảm, nhưng tình trạng quảng cáo cho vay trên không gian mạng tăng.

Chúng ta đang đấu tranh rất mạnh với hiện tượng tiêu cực cho vay lãi nặng - “tín dụng đen”. Khi cho người khác vay tiền, các đối tượng thường kèm theo điều kiện, người vay cho phép đối tượng truy cập đồng bộ vào danh bạ cá nhân, tài khoản mạng xã hội, khi người vay không trả được số nợ, các đối tượng sẽ gọi điện cho các số điện thoại có trong danh bạ để thúc ép đòi nợ.

Chuyện các đối tượng quấy rối những người không liên quan để thúc ép đòi nợ là vi phạm pháp luật. Theo quy định pháp luật, xử phạt 10 - 30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mạng xã hội để lan tỏa, phát tán thông tin sai sự thật. Những tình huống nghiêm trọng chủ thể bị xử lý về tội làm nhục, vu khống người khác. Chế tài đã có nhưng thực tế vẫn xảy ra tình trạng quấy rối như trên” - ông Đào Trung Hiếu chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn