MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Lắk đã được vay vốn từ Quyết định 22 của Chính phủ để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ảnh: Bảo Trung

Giúp người lao động tái hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế bền vững

BẢO TRUNG LDO | 15/11/2023 10:58

Đắk Lắk - Từ khi Quyết định 22 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 10.10.2023, nhiều người lao động thất nghiệp ở Đắk Lắk (sau khi chấp hành án xong) đã được vay vốn, phát triển kinh tế, tái hòa nhập với cộng đồng.

Giúp người lao động tái hòa nhập cộng đồng

Anh Nguyễn Văn Nhơn (xã Cư Suê, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk), sau 7 năm chấp hành án tù, năm 2023 đã trở lại về quê nhà, sinh sống trong căn hộ lụp xụp, xuống cấp, không có nghề nghiệp ổn định, làm thuê mướn sống qua ngày. Ngày anh Nhơn chấp hành án xong về nhà vẫn luôn có tâm lý tự ti, thu mình với xã hội.

Từ khi Quyết định 22 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 10.10.2023 (về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất... - PV), anh Nhơn may mắn được vay 30 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Anh Nhơn tâm sự: "Từ ngày vay vốn, tôi nuôi được 1 đàn heo, thu nhập gia đình đã được cải thiện rất nhiều. Hiện, kinh tế hộ gia đình đã ổn định, tôi cảm thấy bớt tự ti hơn, tái hòa nhập với cộng đồng".

Hay như ông Trần Văn Hiển (khu vực trên) có người con trai đã chấp hành xong án phạt tù hơn 1 năm nay, về địa phương nhưng không có việc làm, kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, nhờ Quyết định 22, gia đình ông Hiển được vay 100 triệu đồng. Từ đó, ông Hiển mạnh dạn đầu tư trồng, chăm sóc hơn 1.300 cây cà phê, sầu riêng, con trai ông cũng tham gia làm kinh tế nông nghiệp.

Gia đình ông Trần Văn Hiển từ ngày được vay vốn đã từ bước thu được quả ngọt. Ảnh: Bảo Trung

Ông Hiển nói: "Trước đây, tôi hoàn cảnh khó khăn, không có vốn làm ăn, khi con chấp hành án xong về mới may mắn được vay vốn làm ăn nên kinh tế hộ gia đình cũng đã ổn định, có thể thoát nghèo, vươn lên làm giàu".

Được biết, rất nhiều người vừa chấp hành án xong đều là người trong độ tuổi lao động trong cảnh thất nghiệp. Vì hoàn cảnh bản thân, rất nhiều người sau khi ra tù rất khó đi xin việc làm, ổn định cuộc sống. Quyết định 22 khi ra đời đã có thể giúp nhóm người nói trên vay vốn, phát triển kinh tế, hòa nhập với cộng đồng, làm lại cuộc đời.

Đảm bảo cho vay đúng đối tượng

Bà Phạm Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Cư Suê, Cư M'gar - chia sẻ: Chính sách này của Chính phủ rất ý nghĩa đối với người lao động. Bởi, địa phương sẽ giảm nhẹ gánh nặng giải quyết việc làm cho người lao động thất nghiệp, giúp họ sau khi chấp hành án có thể về tái hoà nhập cộng đồng. Ngoài ra, đây còn là bước đệm để UBND xã nhân rộng công tác tuyên truyền, định hướng xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương.

Được biết, Sau 1 tháng Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về việc người chấp hành xong án phạt tù, hoàn lương sẽ được vay vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội có hiệu lực, đến hết tháng 10.2023, tỉnh đã giải ngân cho 22 người với số tiền hơn 1,7 tỉ đồng.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã xác nhận đúng đối tượng thụ hưởng chính sách cho vay theo quy định. Ngoài ra, các thôn trưởng, các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác, Tổ Tiết kiệm và vay vốn thực hiện bình xét cho vay một cách công khai, minh bạch, đảm bảo đúng quy trình, nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ vay vốn gửi cấp có thẩm quyền để cho vay.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cần chủ động với các sở, ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội nhận uỷ thác các cấp, Tổ Tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn và giải ngân kịp thời nguồn vốn đến đối tượng thụ hưởng. Các địa phương phối hợp cùng với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn