MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu (thứ hai, phải sang) thăm CNLĐ Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken - nơi thực hiện thời gian làm việc 44 giờ/tuần từ rất sớm. Ảnh: K.Q

Giúp người lao động trực tiếp bình đẳng với cán bộ, công chức

QUẾ CHI - NAM DƯƠNG LDO | 31/10/2019 18:39

Các cán bộ công đoàn cho rằng, nếu người lao động có thời gian làm việc, rồi có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ thì mới vẹn toàn cả đôi bên và sức khỏe được tái tạo, ổn định tốt hơn sau 1 tuần làm việc. Do đó, họ rất đồng tình với kiến nghị giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần của Tổng LĐLĐVN.

Công nhân cũng có nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trong các KCN tỉnh Hà Nam đang tổ chức làm việc cho người lao động (NLĐ) là 48 giờ/tuần. Chỉ có một số DN của Nhật Bản là cách một tuần cho công nhân (CN) nghỉ một ngày thứ 7, tính ra là CN đang làm việc 44 giờ/tuần. Nếu CN làm thêm trong ngày thứ 7 trên, thì sẽ được trả lương làm thêm 200%. Tuy vậy, điều này không được đưa vào thỏa ước lao động tập thể, mà tùy thuộc vào chủ sử dụng lao động quyết định.

Chia sẻ với phóng viên, bà Vũ Thị Minh Phượng - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Hà Nam - bày tỏ ủng hộ đề xuất giảm thời giờ làm việc như hiện nay xuống 44 giờ/tuần cho NLĐ.

Bà Phượng cho biết, điều này giúp CNLĐ được hưởng thời giờ làm việc bình đẳng như cán bộ, công chức, viên chức đang được hưởng. “CNLĐ cũng là những người bình thường. Họ cũng có mong muốn, nhu cầu về hưởng thụ văn hóa, tinh thần như bao người khác. Nếu có 2 ngày nghỉ trong tuần, họ sẽ có cơ hội để giải trí. Ngoài ra, đối với những CNLĐ trẻ, độc thân, đây còn là thời gian để họ đi tìm hiểu bạn đời, tiến tới xây dựng gia đình. Đối với những CNLĐ đang phải thuê nhà trọ, thêm ngày nghỉ giúp họ có thêm thời gian về thăm gia đình, tình cảm thêm gắn bó, tạo động lực để họ có một tuần mới làm việc hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, theo bà Phượng, thời gian qua, CNLĐ đã rất vất vả làm việc trong các nhà máy. Khi nền kinh tế đã phát triển ổn định, tăng thu hút đầu tư, thời kỳ dân số vàng đã không còn, thì cần có những giải pháp để đời sống CN được tốt hơn. Bà Phượng cho hay, so với các nước trong khu vực, thu nhập của CN Việt Nam đang thấp hơn, trong khi công sức bỏ ra là như nhau, nếu không muốn nói là hơn. Nhiều CN làm việc trong nhà máy phải đứng làm việc mà không được ngồi. Không có lý do gì không cải thiện đời sống của CN tốt hơn, đảm bảo đời sống, thu nhập của họ so với mặt bằng của xã hội hiện nay.

Cũng theo bà Phượng, vừa qua, Tổng LĐLĐVN có buổi khảo sát đối với CNLĐ trong KCN Hà Nam về vấn đề này. Qua khảo sát, đại đa số CNLĐ đều muốn giảm giờ làm, nhưng đi kèm là phải đảm bảo lương, thu nhập cho CNLĐ. Hiện nay, thu nhập bình quân của CNLĐ trong các KCN Hà Nam là 4,3-4,5 triệu đồng/tháng (nếu không tăng ca). Còn nếu tăng ca, con số này có tăng, nhưng chỉ ở mức 6 triệu đồng/tháng.

“Ai chẳng muốn được làm 8 giờ”

Ông Huỳnh Phát Đạt - Chủ tịch CĐ Công ty Sanofi Aventis - nói rằng, từ năm 1995, khi Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động đầu tiên của nước ta, công ty (Cty) chúng tôi đã làm 40 giờ/tuần và xu hướng hiện nay của nhiều nước tiên tiến đã làm 32 giờ/tuần. Do đó, bây giờ chúng ta mới bàn đến việc giảm giờ làm từ 48 giờ xuống còn 44 giờ/tuần là chậm trễ, thậm chí lạc hậu. Thực tế cho thấy ở công ty chúng tôi, dù làm có 40 giờ/tuần vẫn bảo đảm năng suất lao động chứ không phải cứ làm 48 giờ tuần thì mới đảm bảo năng suất lao động. Bởi lẽ năng suất lao động phụ thuộc nhiều yếu tố, còn thiết bị, máy móc, công nghệ, trình độ lao động chứ không chỉ phụ thuộc vào làm nhiều, làm ít giờ/tuần.

“Tôi rất đồng tình với ý kiến của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm rằng không thể nói giữ nguyên giờ và tăng giờ làm thêm là nhân văn. Là con người ai chẳng muốn được làm 8 giờ với tiền lương đủ sống, còn dành thời gian cho gia đình, con cái, nghỉ ngơi. Do đó, việc giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ, thậm chí là 40 giờ/tuần là cần thiết cho NLĐ” - ông Đạt nêu ý kiến.

Ông Lê Trần Thanh Hải - Bí thư Chi bộ, Chủ tịch CĐ Cty TNHH may mặc Triple Việt Nam (huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh) - cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng, giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần thì cũng giảm thu nhập của NLĐ. Tuy nhiên, bình thường trong tuần đã có 5 ngày tăng ca rồi, nên nếu như ngày còn lại làm 4 giờ, tức là làm 44 giờ/tuần cũng không ảnh hưởng thu nhập của NLĐ nhiều lắm. Cuộc sống CNLĐ ngoài cơm áo gạo tiền còn cần thời gian chăm sóc gia đình, vui chơi, giải trí. Nếu NLĐ có thời gian làm việc, rồi có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ thì mới vẹn toàn cả đôi bên và sức khỏe của NLĐ được tái tạo, ổn định tốt hơn sau 1 tuần làm việc.

“Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã có ý kiến trước Quốc hội về vấn đề này và nhấn mạnh, nếu NLĐ làm việc 9-10 giờ/ngày thì không thể có hạnh phúc gia đình. CNLĐ chúng tôi rất ủng hộ ý kiến thấu hiểu đời sống NLĐ này của Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân và mong muốn có nhiều đại biểu Quốc hội cũng có quan điểm như thế để ủng hộ chúng tôi” - ông Hải nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn