MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN - chủ trì hội thảo góp ý kiến báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI. Ảnh: H.T

Góp ý báo cáo BCH Tổng LĐLĐVN khóa XI trình Đại hội XII: Nhiều ý kiến thẳng thắn, thiết thực

THÀNH THƠ LDO | 05/08/2017 06:24
Ngày 4.8, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Tổng LĐLĐVN đã tổ chức hội thảo góp ý kiến báo cáo của BCH Tổng LĐLĐVN khóa XI trình Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XII.

Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN - chủ trì hội thảo, với sự tham gia của lãnh đạo các ban, lãnh đạo LĐLĐ các tỉnh, thành phố, CĐ các KCN, CĐCS, các ban chuyên môn trực thuộc Tổng LĐLĐVN.

Tại hội thảo, đa số đại biểu tham gia đều thống nhất về bố cục, nội dung của báo cáo dự thảo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI. Đánh giá về dự thảo này, nhiều đại biểu cho rằng, nội dung của báo cáo có nhiều đổi mới, nhìn nhận, đánh giá về hoạt động CĐ và phong trào CNVC có thay đổi rõ ràng về mặt nhận thức. Bên cạnh đó, nội dung mà báo cáo dự thảo đề cập sâu rộng, đầy đủ, phản ánh được bức tranh hoạt động của tổ chức CĐ.

Tuy nhiên, một số điểm ở báo cáo dự thảo cần được chỉnh sửa, bổ sung đã được các đại biểu trao đổi thẳng thắn. Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch LĐLĐ TP.Đà Nẵng - mong muốn, trong báo cáo dự thảo cần đưa ra chính sách cụ thể để nâng cao chất lượng các CĐCS; cần bổ sung những hoạt động tạo dấu ấn, đột phá trong khối hành chính sự nghiệp; Tổng LĐLĐ Việt Nam cần đưa vào báo cáo việc thành lập quỹ an sinh xã hội để hỗ trợ cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn như thiên tai, lũ lụt.

Còn đồng chí Rơ Chăm Long - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kon Tum - đề nghị rà soát lại chương trình hành động Đại hội XI đã đề ra, để từ đó đánh giá xem chương trình nào thành công, có chuyển biến và ít chuyển biến để từ đó có nhận định, đánh giá thì báo cáo mới được sâu, tạo được dấu ấn trong hoạt động CĐ. “Đặc biệt liên quan đến chỉ tiêu như thành lập CĐCS, nếu đánh giá sâu, kỹ hơn thì văn kiện mới nổi bật được” - đồng chí Chăm Long nói.

Còn đồng chí Nguyễn Ngọc Anh - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Định - đi sâu vào chi tiết ở báo cáo dự thảo, và chỉ ra một số điểm cần xem xét lại ở mục thành tựu đạt được, đánh giá về bài học kinh nghiệm, chỉ tiêu.

Đơn cử như chỉ tiêu đặt ra, đồng chí Ngọc Anh lấy ví dụ về thiết chế văn hóa: “Ở miền Nam, miền Bắc thì NLĐ có nhu cầu, còn ở miền Trung thì là người lao động địa phương là chủ yếu, vì vậy nhu cầu sử dụng các thiết chế cần được xem xét lại”.

Ngoài ra, nhiều ý kiến của chủ tịch các CĐCS ở các địa phương cũng được đưa ra. Đơn cử như ý kiến của đồng chí Lê Hoàng Anh Bình - Chủ tịch CĐCS Cty Sedovinako - đề cập đến vấn đề hạn chế về trình độ, năng lực của cán bộ CĐCS và đưa ra kiến nghị cần có chương trình huấn luyện cho đối tượng này; đồng chí Phạm Quang Thắng - Chủ tịch CĐCS Cty nhựa Chin Li - cũng đề nghị tổ chức Công đoàn cần đứng ra làm đầu mối, kêu gọi doanh nghiệp đấu thầu cung cấp suất ăn công nghiệp, để tạo điều kiện cho NLĐ được tiếp cận bữa ăn tốt nhất...

Tại hội nghị, lãnh đạo Tổng LĐLĐVN cũng đã giải đáp một số kiến nghị, thắc mắc của đại biểu. Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam - vui mừng vì đã nhận được nhiều ý kiến thẳng thắn, có nội dung thiết thực, sâu sát từ cơ sở của các đại biểu. Đồng chí Trần Thanh Hải lưu ý, các Ủy viên Đoàn Chủ tịch nên cân nhắc trước những ý kiến nêu tại hội thảo và tiếp thu thẳng thắn trên cơ sở thực tiễn.

“Các đồng chí phải suy nghĩ lại và góp ý cho Tổng LĐLĐVN trong đại hội sắp đến. Chúng ta phải chứng minh được một điều là tổ chức CĐ mang lại lợi ích thực sự cho đoàn viên CĐ” - đồng chí Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Trước những ý kiến tâm huyết của các đại biểu ở khu vực miền Trung, đồng chí Trần Thanh Hải nói rằng sẽ nghiên cứu lại chỉ tiêu phát triển đoàn viên để đưa vào báo cáo đại hội cho hợp lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn