MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương phát biểu đóng góp cho dự thảo luật. Ảnh: Nam Dương

Góp ý cho dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

Nam Dương LDO | 23/03/2024 08:45

Hơn 50 cán bộ Công đoàn ở các tỉnh, thành phía Nam đã tham gia Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) do Tổng LĐLĐVN tổ chức tại TPHCM chiều 21.3.

Cần quy định công đoàn là đại diện đương nhiên của người lao động

Ông Vũ Minh Tiến - Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐVN - cho biết, dự kiến Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ được Quốc Hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2025.

Việc sửa đổi Luật Công đoàn trong bối cảnh hiện nay có tầm quan trọng trong việc thể chế hóa tinh thần đổi mới Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, đồng thời phù hợp với một số quy định của pháp luật được ban hành sau khi Luật Công đoàn năm 2012 được ban hành và có hiệu lực pháp luật.

Việc đóng góp ý kiến của các cán bộ CĐ sẽ góp phần làm cho dự thảo khi được ban hành thành luật sẽ hoàn chỉnh, sát với thực tiễn.

Ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM - cho rằng, vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức CĐ rất quan trọng. Thực tế hiện nay có nhiều vụ việc doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH nhưng CĐ chưa thể khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của NLĐ được vì phải thu thập ủy quyền của từng cá nhân NLĐ mới đủ quyền khởi kiện.

Do đó, ông Triều đề nghị cần quy định nếu NLĐ bị vi phạm quyền lợi thì CĐ có quyền đương nhiên đại diện NLĐ để khởi kiện mà không cần ủy quyền của chính NLĐ đó, việc này sẽ có lợi hơn cho NLĐ.

Ông Nguyễn Trung Ngạn - Trưởng Ban Chính sách pháp luật - Quan hệ lao động, LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng kiến nghị dự thảo luật cũng cần quy định tổ chức CĐ là đại diện đương nhiên của NLĐ để bảo vệ quyền lợi tốt hơn.

Có quy định bảo vệ cán bộ công đoàn tốt hơn

Ông Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - cho rằng, cần có quy định kiên quyết hơn để bảo vệ cán bộ CĐ để họ yên tâm hoạt động, cống hiến cho CĐ.

Đồng thời, cần có quy định cụ thể hơn về thời gian hoạt động, làm việc của CBCĐ ở cơ sở, bởi vì quy định như hiện nay thì nhiều CBCĐ không đủ thời gian, hoặc khó dùng thời gian để hoạt động CĐ.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - cho hay, dự thảo luật nên quy định Chính Phủ quy định chi tiết thời gian dành cho hoạt động CĐ của CBCĐ ở cơ sở. Phải quy định nguồn tài chính CĐ từ viện trợ, hỗ trợ từ nước ngoài phải là hợp pháp thì CĐ Việt Nam mới được tiếp nhận.

Bên cạnh đó cũng cần quy định cho CĐ cấp trên có quyền xuống vận động tổ chức đại diện NLĐ ở cơ sở gia nhập CĐ Việt Nam.

Theo ông Lê Việt Triều - Trưởng Ban Chính sách, pháp luật - Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng, cần quy định điều kiện để tổ chức đại diện NLĐ ở doanh nghiệp được phân chia tài chính CĐ.

Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch CĐ Công ty Nidec Việt Nam - cho biết, thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động thời vụ hoặc thuê lại lao động. Hầu hết những người này chưa được quan tâm, gia nhập công đoàn. Do đó, cần có quy định để bảo đảm quyền về CĐ của lao động thời vụ, và lao động tư do.

Dịp này, các cán bộ CĐ cũng góp ý kiến vào dự thảo hướng dẫn về công đoàn với việc tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân do Tổng LĐLĐVN tổ chức. Một số ý kiến góp ý hướng dẫn cần làm rõ trường hợp đặc thù không thành lập Ban Thanh tra nhân dân là những trường hợp nào, trách nhiệm thuộc về ai khi không thành lập Ban thanh tra nhân dân; đối tượng không tham gia Ban thanh tra nhân dân, quy trình làm nhân sự của Ban thanh tra nhân dân trong đơn vị sự nghiệp, việc chuẩn bị nhân sự có phải báo cáo cấp ủy cơ quan hay chỉ do BCH CĐCS chuẩn bị, quyết định; thể lệ bầu cử và thời gian ra quyết định chuẩn y Ban thanh tra nhân dân sau khi được bầu…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn