MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau gần 12 năm, Cty Hacinco vẫn chưa chuyển thành Cty cổ phần. Ảnh: Thông Chí

Hacinco cổ phần hóa “treo”: Nhà đầu tư khiếu kiện tính trùng năm công tác, đúng hay sai?

Thông Chí LDO | 14/07/2017 12:40
Trong số báo 158, Lao Động có bài “Cổ phần hóa treo, người lao động kêu cứu!” phản ánh về việc quyền lợi của CBCNV bị ảnh hưởng vì 12 năm chưa thể cổ phần hóa Cty này. Một trong những nội dung nhóm nhà đầu tư do bà Nguyễn Thị Chi đại diện khiếu kiện nhiều năm là khi thực hiện CPH Cty Hacinco, số cổ phần ưu đãi bán cho CBCNV được kê khai trùng số năm công tác để tăng số tiền nhà nước ưu đãi khi mua cổ phần.

Vậy "tính trùng năm công tác", đúng hay sai? Người lao động có lỗi gì?

Ưu đãi trùng, nguy cơ mất nhiều hơn được

Năm 1998, Cty Hacinco tách một phần của doanh nghiệp là Khách sạn Hacinco để thực hiện thí điểm cổ phần hóa theo Nghị định 44/1998/NĐ-CP về chuyển công ty nhà nước thành Cty cổ phần. Do khách sạn mới xây dựng và thành lập, CBNV tại khách sạn đa số là tuyển dụng mới nên để đảm bảo quyền lợi cho toàn bộ CBNV Cty có công đóng góp xây dựng và tạo lập, ngày 12.11.1998 Cty Hacinco đã có văn bản số 84/TC gửi UBND TP Hà Nội, Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP Hà Nội, Sở Xây dựng đề nghị xem xét và cho phép toàn bộ CBNV của công ty được mua cổ phiếu ưu đãi của Khách sạn Hacinco. Đề nghị này đã nhận được chấp thuận (bút phê) của ông Phan Văn Vượng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiêm trưởng Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp.

Năm 2005, Cty Hacinco tiến hành cổ phần hóa với phương án được phê duyệt: 498 lao động được mua với tổng giá trị là 5.590 năm x 10 cổ phần/năm x 10.001 đồng/CP x 60%. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất Đại hội cổ đông và họp HĐQT “bất thành” vào cuối năm 2005, nhóm nhà đầu tư do bà Chi đại diện có đơn khiếu kiện về các sai phạm trong đó có tính trùng năm công tác của người lao động tại Cty Hacinco.

Về vấn đề này, các sở ngành đều cho rằng có sai phạm trong việc xác định thời gian làm việc trong khu vực Nhà nước để tính ưu đãi cho người lao động khi mua cổ phần lần đầu. Cụ thể, 169 người lao động đã mua CP ưu đãi tại khách sạn Hacinco với 3.278 năm bị tính trùng. Như vậy, theo kiến nghị của nhóm nhà đầu tư do bà Chi đại diện, việc người lao động được mua ưu đãi khi cổ phần Cty Hacinco là hoàn toàn sai và cần phải loại bỏ?

Tuy nhiên, theo LS Hoàng Tùng (Đoàn LS Hà Nội): “Nghị định 44/1998/NĐ-CP ngày 29.6.1998 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 44) có quy định “chỉ người lao động trong danh sách người lao động của doanh nghiệp (trường hợp cổ phần hóa toàn bộ doanh nghiệp) tại thời điểm cổ phần hóa mới được mua cổ phần ưu đãi”. Vậy nên, việc nhận định rằng sự vận dụng cho người lao động mua CP ưu đãi khi CP hóa khách sạn Hacinco trái với quy định của Nghị định 44 là chưa chính xác vì tại Nghị định 44 không có quy định chi tiết nào về việc này.

Điều 1 Chương II của Nghị định 44 quy định rằng, người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa được hưởng các ưu đãi sau: Được nhà nước bán với giá ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp tùy theo năm công tác của từng người. Một năm làm việc cho nhà nước được mua ưu đãi tối đa 10 cổ phần với mức giảm giá 30% so với đối tượng khác.

Với quy định như vậy, trên thực tế, tại thời điểm cổ phần hóa khách sạn Hacinco, người lao động mới chỉ được mua 1,17 (11,7%) cổ phần ưu đãi trên một năm công tác, nếu so với quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định 44  thì còn thiếu 8,83 (88,3%) cổ phần trên năm công tác với giá ưu đãi 30%. Vì đã được mua ưu đãi khi cổ phần khách sạn Hacinco mà người lao động bị gạt bỏ quyền lợi khi cổ phần Công ty Hacinco là một sự thiệt thòi và là việc làm không hợp cả tình lẫn lý”.

Phương án nào cho một “thiếu sót” không phải do lỗi người lao động?

Năm 2006, Bộ LĐTBXH đã đưa ra hướng dẫn hướng xử lý tại Công văn số 2443/LĐTBXH-LĐVL và 2633/LĐTBXH-LĐVL, cụ thể: “Đối với người lao động đã được mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hóa bộ phận doanh nghiệp (Khách sạn Hacinco) cần được xóa bỏ hoặc giảm trừ quyền mua cổ phần ưu đãi của những người này khi cổ phần hóa Cty Đầu tư xây dựng số 2”.

Năm 2009, Thanh tra Chính phủ vào cuộc và có kết luận số 2125/KL-TTCP đưa ra hướng xử lý đối với vấn đề tính trùng năm công tác như sau “chuyển 397.100.000 đồng từ cơ cấu cổ phần mua ưu đãi sang cổ đông mua đấu giá (số lượng CP ưu đãi đã bán cho CBCNV khi CP hóa khách sạn Hacinco năm 1998)” . Gần đây nhất là vào tháng 12.2016 Ban thường vụ Thành ủy thống nhất lựa chọn phương án cổ phần hóa Hacinco theo Kết luận thanh tra số 2125/KL-TTCP.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Bính (72 tuổi, cựu CBNV Cty) nói: “Đây là một phương án hợp tình hợp lý nhưng cũng chưa trọn thật trọn vẹn vì nếu như không có những người bới lông tìm vết, vì lợi ích của mình cố tình gạt bỏ quyền lợi của người lao động thì chúng tôi sẽ được hưởng trọn vẹn sự đãi ngộ, tri ân của Nhà nước dành cho chúng tôi. Tôi hoàn toàn thống nhất với phương án đưa ra của Ban thường vụ Đảng ủy TP Hà Nội, dù sao cũng là một phương án đảm bảo quyền lợi cho người lao động chúng tôi”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn