MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS-TS Trần Thị Cúc Hoà vinh dự nhận bằng khen do Chủ tịch Nước Trần Đại Quang trao tặng tại lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN tối 15.1.2017.Ảnh: TL

Hai giống lúa làm lợi hàng nghìn tỉ đồng

LONG VŨ LDO | 22/07/2018 07:30
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, cần các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt và giàu vi chất dinh dưỡng thiết yếu, thích nghi với thổ nhưỡng từng vùng, miền. Công trình “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển 2 giống lúa mới OM6976 và OM5451 có năng suất và chất lượng cao phục vụ sản xuất và xuất khẩu” đã được PGS-TS Trần Thị Cúc Hòa cùng 4 tác giả nghiên cứu, thực hiện và đạt được Giải thưởng Nhà nước.

Giá trị cao về khoa học công nghệ

Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp - cho biết: PGS-TS Trần Thị Cúc Hoà (Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long) là tác giả chính của 5 giống lúa quốc gia và 4 giống lúa sản xuất thử, trong đó nổi bật là OM6976 và OM5451 đang là giống lúa chủ lực ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Công trình nghiên cứu 2 giống lúa này được thực hiện bởi PGS-TS Trần Thị Cúc Hòa cùng 4 tác giả gồm: Cố TS Phạm Trung Nghĩa, ThS Lã Cao Thắng, KS Đặng Thị Thắm, KTV Huỳnh Thị Phương Loan.

“Kết quả của công trình đã tạo ra 2 giống lúa mới có giá trị kinh tế cao và ý nghĩa khoa học lớn. Ngay từ đầu tôi đã đề nghị nên trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình nghiên cứu này, bởi những hiệu quả kinh tế và ảnh hưởng xã hội mà nhóm tác giả đã mang lại từ công trình nghiên cứu 2 giống lúa” - TS Lê Huy Hàm nhấn mạnh. Theo đánh giá của Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước, đây là công trình có giá trị cao về khoa học công nghệ (KHCN).

Theo TS Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, công trình đã tạo ra 2 giống lúa mới có ý nghĩa khoa học cao vì đã được nghiên cứu một cách có hệ thống và có tính liên tục xuyên suốt để đạt được mục tiêu đề ra. Việc chuyển đặc tính giàu sắt, kẽm vào các giống lúa Việt Nam là tính mới của công trình này.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu đã thành công trong kết hợp được nhiều đặc tính tốt vào một giống lúa mới. Hai giống lúa mới đã được ứng dụng vào sản xuất trên diện rộng và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

TS Trần Ngọc Thạch nhấn mạnh: ĐBSCL là vùng sản xuất lúa và xuất khẩu (XK) gạo trọng điểm của cả nước, chiếm trên 50% sản lượng lúa và 95% lượng gạo XK. Nâng cao hiệu quả sản xuất và XK lúa gạo để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm gạo nước ta ở thị trường thế giới và thu nhập của nông dân là yêu cầu cấp thiết. Kết quả khảo nghiệm quốc gia cho thấy, 2 giống lúa mới có ưu thế trong vụ hè thu cả về năng suất và chất lượng gạo. Hai giống lúa này kháng rầy nâu trung bình, kháng cao bệnh đạo ôn và kháng bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Giống có tính thích nghi rộng, từ đất phù sa ngọt đến đất nhiễm phèn, mặn.

Ưu điểm nổi bật là chất lượng tốt, trồng ở vùng ven biển có mùi thơm nhẹ, phù hợp cho cả ba vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông. ”Hai giống lúa đã trở thành hai giống lúa XK chất lượng cao chủ lực ở ĐBSCL, đóng góp đáng kể cho XK gạo, đem về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả là hết sức quý báu, làm giàu thêm kho giống lúa của Việt Nam” - TS Trần Ngọc Thạch nhấn mạnh.

Ứng dụng mang lại giá trị kinh tế lớn

Giống lúa OM6976 và OM5451 được đưa vào sản xuất từ năm 2012 sau khi được công nhận là giống chính thức (giống quốc gia). Diện tích gieo trồng ở ĐBSCL và một số tỉnh Đông Nam Bộ trong 3 năm (2013-2015) đạt gần 1,4 triệu ha. Trong đó, 7 tỉnh có diện tích gieo trồng 2 giống lúa này chiếm tỉ lệ cao trên tổng diện tích lúa toàn tỉnh gồm: Hậu Giang (44,3%), Cà Mau (40,0%), Vĩnh Long (36,7%), Trà Vinh (31,4%), Bạc Liêu (26,4%), Kiên Giang (17,6%) và Sóc Trăng (17,1%).

Kết quả khảo nghiệm diện rộng và thực tế sản xuất, năng suất của 2 giống lúa bình quân các vụ trong năm đạt 5,9 tấn/ha. Giá lúa khô bình quân đạt 6.300 đồng/kg do có chất lượng gạo rất được ưa chuộng. Lợi nhuận mới tăng thêm do hai giống lúa mới đem lại so với các giống lúa khác là 2,97 triệu đồng/ha. Với diện tích 1 triệu ha trong một năm, tổng lợi nhuận mới tăng thêm trên toàn bộ diện tích ứng dụng hai giống lúa mới là 2.970 tỉ đồng.

Hai giống lúa mới cũng đã được các doanh nghiệp tiếp nhận qua hình thức chuyển nhượng bản quyền để sản xuất kinh doanh. Hai giống lúa mới đã được các Cty giống tiếp nhận để sản xuất, kinh doanh, cung cấp nguồn giống xác nhận cho nông dân sản xuất lúa thương phẩm. Cty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương được chuyển nhượng bản quyền giống lúa OM6976; Cty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (nay là Tập đoàn Lộc trời) được chuyển nhượng bản quyền giống lúa OM5451.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn