MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hạn chế của thị trường lao động bộc lộ rõ nét hơn sau đại dịch COVID-19

KHÁNH LINH - PHƯƠNG NGÂN LDO | 05/06/2022 13:13

TPHCM - Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá, những năm gần đây, thị trường lao động Việt Nam đang phát triển và dần vận hành theo quy luật kinh tế thị trường, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục.

Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề "Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19" trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 diễn ra tại TPHCM sáng 5.6, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá, những năm gần đây, thị trường lao động Việt Nam đang phát triển và dần vận hành theo quy luật kinh tế thị trường, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.

Hạn chế của thị trường lao động bộc lộ rõ nét hơn

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận định thị trường lao động Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục. Đầu tiên, số lượng lao động tại Việt Nam tăng nhanh nhưng đáng chú ý là số lượng  lại tăng nhiều ở khu vực lao động phi chính thức. “Người lao động ở quê đã đi làm trở lại song tại sao doanh nghiệp, nhà máy vẫn thiếu lao động?”, ông Ngọ Duy Hiểu đặt ra vấn đề. 

Vấn đề thứ 2 là hiện nay là không chỉ số lượng lao động thất nghiệp mà lao động không được sử dụng hết tiềm năng đã giảm nhưng vẫn còn cao. Khi thực tế trong bối cảnh thị trường thiếu lao động chất lượng cao như hiện nay, không thiếu những người có năng lực, trình độ cao nhưng lại đi làm những công việc rất phổ thông và lao động chân tay.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 sáng 5.6. Ảnh: Khánh Linh

Bên cạnh đó, ông Ngọ Duy Hiểu còn đặt ra hàng loạt vấn đề khác về thị trường lao động đáng được quan tâm như: Chất lượng lao động chưa đáp ứng tốt được cung cầu; Quan hệ cung cầu, vận hành vẫn còn hạn chế; Thị trường lao động phổ thông khá phát triển nhưng thị trường lao động trình độ cao nhiều nơi rất đìu hiu; Sự hỗ trợ của nhà nước vẫn còn trì trệ; Việc làm vẫn còn thiếu bền vững; Thu nhập của người lao động vẫn chưa cao, chưa tương xứng với đóng góp của họ…

“Sau 2 năm đại dịch kéo dài, những vấn đề vốn là hạn chế của thị trường lao động lại bộc lộ một cách rõ nét hơn, đặc biệt là tính bấp bênh và dễ tổn thương về việc làm và thu nhập của người lao động”- ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh. 

Tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất

Ông Ngọ Duy Hiểu nhận định, hệ thống an sinh xã hội và chính sách quy định thị trường lao động vẫn chưa theo kịp khi có tình huống khủng hoảng xảy ra và còn thiếu hành lang pháp lý để xử lý vấn đề khủng hoảng.

Theo đó, để xây dựng thị trường lao động đồng bộ, hiện đại linh hoạt nhất hội nhập có sự quản lý điều tiết của nhà nước, ông Ngọ Duy Hiểu đã đưa ra 6 trọng tâm chính: Tạo môi trường phục hồi, chuyển dịch cơ cấu việc làm trong bối cảnh sau dịch nơi thừa nơi thiếu, hình thành việc làm mới hướng đến việc làm bền vững; Phát triển về số lượng lao động đi đôi với nâng cao chất lượng lao động và tạo việc làm tốt hơn cho người lao động.

Hội thảo chuyên đề "Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19" diễn ra sáng 5.6. Ảnh: Phương Ngân

Bên cạnh đó, phải kết nối liên thông giữa nhà nước và tư nhân; Hoàn thiện, nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm; Nâng cao năng lực thương lượng cho người lao động.

Và cuối cùng là tăng cường trách nhiệm và vai trò của Nhà nước, chính quyền và địa phương trong hỗ trợ các chủ thể trong thị trường lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn