MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên trực tổng đài giải đáp các thắc mắc về gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Ảnh Tống Giáp.

Hàng chục nghìn câu hỏi thắc mắc về gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng

ANH THƯ LDO | 06/05/2020 17:03

Sau khi công bố đường dây nóng qua Tổng đài 111 giải đáp thắc mắc về gói hỗ trợ của Chính phủ, tổng đài liên tiếp nhận được câu hỏi liên quan đến việc thụ hưởng hỗ trợ của người lao động.

Từ ngày 1.5, Tổng đài 111 đã tiếp nhận, giải đáp những vấn đề vướng mắc khi thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Tổng đài đã bố trí 3 ca trực, với 21 nhân viên tư vấn trực/ngày. Theo đó, mỗi ngày có 2 ca trực, gồm 5 nhân viên tư vấn trực tại Tổng đài Hà Nội, 2 nhân viên trực tại Tổng đài vùng miền Trung-Tây Nguyên ở Đà nẵng, 2 nhân viên trực tại Tổng đài vùng miền Nam ở An Giang. Bên cạnh đó, 1 ca đêm gồm 3 nhân viên tư vấn trực tại Tổng đài Hà Nội.

Tổng đài đã gửi các tài liệu cần thiết và hướng dẫn nhân viên tư vấn tiếp nhận thông tin, phân loại và chuyển tuyến tới các bộ phận chức năng.

Tính đến hết ngày 3.5, cuộc gọi đến Tổng đài là 35.415 cuộc. Số cuộc gọi được nhân viên tư vấn Tổng đài tiếp nhận là 9.238 cuộc. Theo đó, có 4.520 cuộc gọi được nhân viên tư vấn chuyển đến các bộ phận chức năng.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Bá Hoan - Chánh Văn phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo thống kê từ Tổng đài 111, nội dung được người dân quan tâm nhiều nhất là chế độ hưởng của người lao động tự do bị mất hợp đồng.

Nhóm này khá đa dạng về nghề nghiệp như người lái xe ôm, bán vé số, bán hàng rong, lái xe, bán hàng tạp hóa, bốc vác, phụ hồ, giúp việc, trông trẻ, gội đầu cắt tóc gửi thắc mắc về việc có được hưởng, việc kê khai đăng ký ra sao…

Bên cạnh đó, nhóm lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không lương cũng gửi nhiều câu hỏi.

Qua việc nhận câu hỏi, Tổng đài 111 nhận thấy nhiều trường hợp phản ánh là doanh nghiệp nơi họ làm việc đã từ chối trách nhiệm lập danh sách những người bị tạm hoãn hợp đồng lao động để gửi các cơ quan chức năng.

Ông Hoan cho biết, trước thực tế này, đòi hỏi các cơ quan chức năng địa phương cần sớm vào cuộc để kiểm tra, xác minh thời gian tới.

Bên cạnh đó, nhóm hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công có số cuộc gọi thấp hơn 2 nhóm trên. Người dân chủ yếu hỏi lúc nào được nhận tiền, thuộc hai ba nhóm đối tượng được hưởng thì ra sao. Có nhiều phản ánh liên quan đến khiếu nại, tố cáo ở cuộc gọi của 4 nhóm trên.

Trước đó, nhằm thúc đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Bộ chính thức công bố đường dây nóng qua Tổng đài 111 để tiếp nhận, giải đáp những vấn đề vướng mắc khi thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng trong Quyết định 15/2020/QĐ-TTg.

Tổng đài 111 bắt đầu tiếp nhận thông tin từ ngày 1.5.2020 theo các số điện thoại: 0913 049 567; 0977 976 686 và 0913 378 816.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn