MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các giáo viên phản ánh vụ việc với phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: PHẠM ĐÔNG

Hàng trăm giáo viên kêu cứu vì không được đóng BHXH

HOA ĐÔNG - THẢO LINH LDO | 18/07/2019 10:51

Hàng trăm giáo viên trên địa bàn huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đang đứng ngồi không yên, lo bị mất việc sau kỳ tuyển viên chức sắp tới. Theo phản ánh của một số giáo viên, nhiều năm nay họ đã phải chịu thiệt thòi, chỉ được ký hợp đồng 3 tháng/lần, lương thấp, ngay cả những chính sách được pháp luật quy định như BHXH, BHYT cũng không được hưởng…

Vẻn vẹn 1.210.000 đồng/tháng

Theo tìm hiểu của PV, tại nhiều trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Mỹ Đức (Hà Nội), nhiều giáo viên hợp đồng đã và đang tham gia giảng dạy được trên dưới 20 năm. Dù có thâm niên nghề như vậy, những giáo viên này chỉ được nhận số tiền lương ít ỏi 1.210.000 đồng/tháng.

Cô Nguyễn Thị Q - giáo viên đã có 21 năm kinh nghiệm giảng dạy môn Văn tại Trường THCS Đốc Tín - cho hay: “Tôi và hầu hết giáo viên dạy hợp đồng khác tại huyện Mỹ Đức đều không được đóng bảo hiểm, mỗi tháng chỉ nhận mức lương vẻn vẹn 1.210.000 đồng. Giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức chỉ được ký hợp đồng 3 tháng. Khi hết hợp đồng, huyện sẽ tự gia hạn. Với giáo viên hợp đồng như chúng tôi, chế độ thai sản chỉ được nhà trường tạo điều kiện cho nghỉ 3 tháng”.

“Nếu sắp tới phải nghỉ việc, những giáo viên giảng dạy lâu năm như tôi cũng không có chế độ gì. Mong các cơ quan thẩm quyền có những chính sách phù hợp để giải quyết cho những người có nhiều năm cống hiến trong ngành” - cô giáo Q bộc bạch.

Cũng như cô Q, cô Nguyễn Phương A cho biết, nhiều giáo viên hợp đồng ở huyện Mỹ Đức dù cuộc sống chật vật, khó khăn, nhưng vẫn cố gắng bám trụ với nghề. Và trước nguy cơ bị sa thải, các thầy cô đã phải gửi đơn kêu cứu lên UBND huyện Mỹ Đức đề nghị giải quyết quyền lợi chính đáng cho mình.

Được biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Mỹ Đức có hơn 300 giáo viên hợp đồng. Trao đổi với PV về nguyên nhân dẫn đến số lượng giáo viên hợp đồng dôi dư nhiều như vậy, ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức - lý giải: “5 năm chưa thi viên chức đương nhiên là thiếu giáo viên. Nhiều giáo viên về hưu, nghỉ ốm, sinh con nên phải tuyển giáo viên hợp đồng”.

Theo ông Hậu, các thầy cô giáo viết đơn xin được ký hợp đồng với huyện. Như vậy, đây là hợp đồng hoàn toàn theo nguyện vọng của họ. Huyện không tuyển dụng theo đợt. Có giáo viên ký hợp đồng tháng này, có người tháng kia theo nhu cầu nhà trường. Diện hợp đồng đối với giáo viên có rất nhiều loại.

Nhiều thầy cô cho rằng, họ chỉ được hưởng đồng lương ít ỏi và không có bất kỳ chế độ chính sách nào thêm. Trao đổi về vấn đề này, ông Hậu bày tỏ: “Trước đây khoảng 5-10 năm, những giáo viên ký hợp đồng cũng có chế độ đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, trường hợp ký gần đây thì không có bảo hiểm”.

Hoàn toàn sai luật

PV Báo Lao Động đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hưng - Giám đốc BHXH huyện Mỹ Đức (Hà Nội) - về những bức xúc của giáo viên dạy hợp đồng lâu năm không được đóng BHXH, nên không đủ điều kiện thi tuyển viên chức vào ngành giáo dục của thành phố.

Bà Hưng cho biết, ngay từ năm 2003 (trước khi sáp nhập về Hà Nội), tỉnh Hà Tây (cũ) đã có chủ trương đóng BHXH cho giáo viên hợp đồng của huyện theo mức lương cơ sở, nhưng trên thực tế không đóng. Nguyên nhân của việc này, theo bà Hưng, là do Công văn số 206/UBND-NV ngày 15.2.2019 của UBND huyện Mỹ Đức. “Ngày 15.2.2019, UBND huyện Mỹ Đức ban hành Công văn số 206/UBND-NV về việc chấp thuận cho hiệu trưởng các trường THCS, tiểu học và mầm non trên địa bàn huyện ký quyết định gia hạn HĐLĐ quý I/2019 đối với những trường hợp trong diện hợp đồng ngắn hạn với mức lương 1.210.000 đồng, thấp hơn mức lương cơ sở”- bà Hưng chia sẻ.

Cũng theo bà Hưng, thực hiện Kế hoạch số 4800/KH-BHXH ngày 5.11.2018 của BHXH Hà Nội, BHXH huyện Mỹ Đức đã tiến hành rà soát, đối chiếu giữa danh sách kê khai đóng BHXH với danh sách đóng thuế thu nhập cá nhân ở những đơn vị sử dụng lao động, trong đó có các đơn vị hành chính sự nghiệp, trường học trên địa bàn (theo danh sách do BHXH Hà Nội gửi). Qua rà soát, BHXH huyện Mỹ Đức phát hiện nhiều trường hợp không đóng BHXH.

Vì vậy, ngày 2.4.2019, BHXH huyện Mỹ Đức đã có Công văn số 59/BHXH gửi UBND huyện phản ánh về việc lao động hợp đồng chưa tham gia BHXH, BHYT và đề nghị UBND huyện xem xét về mức lương và thời hạn ký hợp đồng để đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) theo đúng luật định. “Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 3 tháng, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi của UBND huyện” - bà Hưng khẳng định.

Trong khi đó, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) - cho hay, trước 1.1.2018, Luật BHXH quy định, NLĐ ký HĐLĐ có thời hạn từ 3 tháng trở lên được tham gia đóng BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật. Từ ngày 1.1.2018, khi Luật BHXH 2014 được thông qua và đưa vào áp dụng, NLĐ có HĐLĐ từ 1 đến dưới 3 tháng được tham gia BHXH bắt buộc. Do đó, đến nay đã là năm 2019, nếu các giáo viên huyện Mỹ Đức vẫn không được đóng BHXH là hoàn toàn sai luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn