MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình) có khoảng 600 lao động làm nghề chèo đò phục vụ khách du lịch nhưng chưa được ký hợp đồng lao động. Ảnh: Diệu Anh

Hàng trăm lao động chèo đò tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động chưa được ký hợp đồng lao động

DIỆU ANH LDO | 08/07/2023 21:01

Ninh Bình - Gần 600 lao động làm nghề chèo đò phục vụ khách du lịch tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (tại huyện Hoa Lư, Ninh Bình) từ nhiều năm nay nhưng chưa được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động, nhất là khi xảy ra các sự cố về mất an toàn vệ sinh lao động.

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, hiện nay tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động có khoảng 600 lao động làm nghề chèo đò phục vụ khách du lịch, tuy nhiên từ nhiều năm nay những lao động này vẫn chưa được ký hợp đồng lao động. Điều này đã ảnh hưởng đến quyền lợi cũng như các chế độ đối với với lao động.

Nghề chèo đò phục vụ khách du lịch ở Tam Cốc - Bích Động là công việc nặng nhọc, mỗi chuyến đò chở từ 4-5 khách du lịch, thời gian chèo đò kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Chính vì vậy người chèo đò phải có sức khỏe tốt thì mới đảm bảo an toàn cho du khách trên suốt hành trình tham quan.

Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động thông báo tạm dừng đón khách kể từ ngày 9.7. Ảnh: Diệu Anh

Việc người lái đò trong suốt nhiều năm qua nhưng chưa được ký hợp đồng lao động khiến hàng trăm lái đò ở đây phải chịu thiệt thòi. Bởi chỉ khi ký hợp đồng lao động thì người lao động mới được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định của pháp luật, như: chế độ BHXH, BHYT, BHTN, chế độ nghỉ phép, nghỉ lễ...

Được biết, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư và hiện nay doanh nghiệp này đang quản lý và khai thác. Toàn bộ lao động làm nghề chèo đò ở đây đều do doanh nghiệp này trả lương.

Bến thuyền Tam Cốc dừng đón khách du lịch (ảnh chụp chiều ngày 8.7). Ảnh: Diệu Anh

Trao đổi với PV Lao Động, đại diện lãnh đạo Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường cũng thừa nhận việc lâu nay không ký hợp đồng lao động với những lao động làm nghề chèo đò ở đây là không đúng với quy định của Bộ Luật Lao động.

"Ngày 8.7, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đã có thông báo tạm dừng đón khách du lịch từ ngày 9.7 để sửa chữa và thực hiện việc sắp xếp, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ đón tiếp khách cho những người chèo đò. Trong thời gian này chúng tôi cũng sẽ triển khai các bước để ký hợp đồng lao động theo quy định" - đại diện lãnh đạo Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường cho hay.

Theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019, trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

Việc giao kết hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản hoặc giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.

Ngoài ra, chủ sử dụng lao động và người lao động có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 1 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này.

Điều 9, Nghị định 12/2022/NĐ-CP, ngày 17.1.2022 của Chính Phủ quy định:

1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên; giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng cho nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật Lao động; giao kết không đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn