MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị M phải chuyển sang phòng trọ rẻ tiền hơn để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Ảnh: Anh Thư

Hàng trăm nghìn công nhân ảnh hưởng việc làm: Sẽ bàn thêm gói hỗ trợ

ANH THƯ LDO | 07/12/2022 12:42

Liên quan đến việc công nhân bị mất việc, giãn việc trong thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao đổi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam thống nhất đánh giá lại tình hình, sẽ kiến nghị Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động.

Mấy tháng trở lại đây, chị L.T.M (Hoà Bình) thường xuyên bị cắt giảm giờ làm việc bởi công ty (ở Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) ít đơn hàng. Hiện nay, thu nhập của chị khoảng 6 triệu đồng/tháng.

2 con nhỏ đang gửi ở quê cho ông bà ngoại chăm sóc nên công nhân này luôn canh cánh trong lòng làm sau xoay xở đủ tiền gửi về cho con.

Thu nhập giảm đi, chị M đã phải chuyển từ phòng trọ 1 triệu đồng/tháng sang phòng còn 600 nghìn đồng/tháng.

“Tôi vất vả thế nào cũng cố gắng chịu đựng được bởi ai cũng mong con cái được chăm sóc đầy đủ, tốt nhất. Gần đây tôi thắt chặt chi tiêu tối đa” – chị M nói.

14 năm làm công nhân, chị M cũng chuyển chỗ làm vài lần để tìm công ty cho thu nhập tốt hơn. Song, chưa bao giờ công nhân này lại thấy bất an như bây giờ. Nghe mọi người “kháo” nhau có thể sẽ không có tháng lương thứ 13, lòng chị càng M rối bời, lo lắng...

Chị M là một trong số hơn 500 nghìn công nhân, lao động bị giảm việc, giãn việc. Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong quý III-IV/2022, có khoảng 1.500 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng. Đáng lưu ý, khoảng 42 nghìn công nhân, lao động mất việc.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trước thực tế trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động yêu cầu các cấp công đoàn báo cáo về tình hình công nhân mất việc, giảm việc. Từ đó, có những giải pháp tháo gỡ.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao đổi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam thống nhất đánh giá lại tình hình. Sau đó, các cơ quan liên quan sẽ kiến nghị Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động.

Theo ông Phan Văn Anh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành kế hoạch chăm lo đoàn viên, người lao động với phương châm tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh. Ảnh: Hải Nguyễn.

Trong đó, nổi bật là gói hỗ trợ đoàn viên, lao động khó khăn, trong đó có những người mất việc, giãn việc. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chăm lo cho trên 1 triệu đoàn viên, lao động, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng. Trên cơ sở đối tượng thụ hưởng, tiền hỗ trợ sẽ được chuyển tận tay đoàn viên khó khăn.

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn sẽ tổ chức 22 phiên chợ Tết tại các tỉnh, thành phố. Dự kiến, có khoảng 5-10 nghìn lượt công nhân lao động đến tham gia, thụ hưởng rất nhiều sản phẩm thiết yếu. Mỗi phiên chợ tối thiểu 40 gian hàng, có địa phương đã đăng kí lên tới 120 gian hàng trong vòng 3 ngày.

"Khi đến chợ Tết, các doanh nghiệp cam kết bán cho người lao động giảm 15%, có doanh nghiệp giảm 50%, có những phiếu mua hàng lên đến 300 nghìn đồng, gian hàng 0 đồng..." - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói.

Ngoài chăm lo Tết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự kiến sẽ có thêm một gói nữa hỗ trợ công nhân, người lao động trong dịp Tết và sau Tết.

"Chiều 7.12, chúng tôi sẽ họp, bàn bạc về vấn đề này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ cho người lao động" - ông Phan Văn Anh thông tin thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn