MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội Liện hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Long An, nơi có nhiều cán bộ, viên chức không có lương vẫn phải làm việc. Ảnh: PV

Hàng trăm người lao động tại Long An bị cho thôi việc trái luật

KỲ QUAN LDO | 24/08/2018 11:00
Hàng trăm cán bộ, viên chức (CBVC) gắn bó với cơ quan hàng chục năm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ bất ngờ được thông báo cho thôi việc theo chủ trương “sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy” của tỉnh. Ngay cả việc cho họ thôi việc cũng không thực hiện đúng pháp luật, làm cho họ càng khó khăn hơn.

Không lương vẫn làm việc

Ngày 13.8 vừa qua, tập thể 5 CBVC Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (LHVHNT) tỉnh Long An đã có đơn kiến nghị gửi lãnh đạo và các cơ quan chức năng tỉnh Long An về việc giải quyết chế độ thôi việc cho họ. Theo đơn trình bày, họ là những CBVC thuộc đối tượng tinh giản biên chế cho thôi việc từ ngày 1.7.2018.

Trên thực tế, từ ngày 1.7.2018 họ đã bị cắt lương, không còn trong biên chế cơ quan. Thế nhưng, cho đến thời điểm ngày 13.8, họ vẫn chưa nhận được quyết định cho thôi việc nên họ vẫn nợ BHXH, BHYT (tháng 7 và tháng 8), chưa được giải quyết chế độ, chưa thể đi tìm việc làm khác.

Vì chưa nhận được quyết định cho thôi việc, nên hàng ngày họ vẫn phải đi làm, dù không có lương. Đơn kiến nghị viết: “Cần sớm giải quyết chế độ thôi việc cho chúng tôi theo đúng luật định để chúng tôi ổn định cuộc sống. Nếu cho thôi việc thì phải có quyết định và giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho chúng tôi”.

Bà Hồ Thị Hồng Liên - Chánh Văn phòng Hội LHVHNT Long An - bức xúc nói: “Chúng tôi chấp nhận chủ trương tinh giản biên chế của tỉnh. Nhưng những người làm chính sách hãy đặt mình vào hoàn cảnh của chúng tôi để giải quyết cho có lý có tình. Chuyện đơn giản nhất là ra quyết định cho thôi việc để chúng tôi đi tìm việc làm khác cũng không được đáp ứng.

Trong khi đó, theo luật định, chúng tôi phải được báo trước 45 ngày trước khi cho thôi việc. Tôi mong rằng, trong khi “chờ” nhận quyết định cho thôi việc (hằng ngày chúng tôi vẫn đi làm), chúng tôi vẫn được trả lương”.

Điều mong ước tưởng chừng rất đơn giản và chính đáng ấy không riêng của các CBVC Hội LHVHNT Long An, mà cũng là của hàng trăm CBVC trong diện “tinh giản biên chế” của các hội đặc thù ở tỉnh Long An.

Chờ đến bao giờ?

Tỉnh Long An đang triển khai thực hiện Đề án 02-ĐA/TU ngày 29.12.2017 của Tỉnh ủy Long An ”Về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Long An theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII)”.

Theo Đề án, sau khi sắp xếp lại, toàn tỉnh dự kiến giảm 422 biên chế công chức; 4.775 biên chế viên chức; giảm 2.789 người hoạt động không chuyên trách cấp xã; giảm 5.045 người hoạt động không chuyên trách ấp, khu phố; giảm 1.286 hội đặc thù…

Xác định thực hiện Đề án là công việc khó, phức tạp, liên quan trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của đội ngũ công chức, CBVC, người lao động trong tỉnh, đặc biệt là đối với những người bị sắp xếp, dôi dư, Tỉnh ủy Long An đã đề ra một số giải pháp cơ bản nhằm đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện Đề án như: Từng địa phương, đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề án triển khai thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, có hiệu quả, đảm bảo theo thời gian, lộ trình Đề án đã đề ra; Quan tâm lãnh đạo, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với cán bộ...

Thế nhưng, khi triển khai thực hiện chủ trương tinh giản biên chế còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, quyền lợi, đời sống của CBVC. Chủ tịch Hội LHVHNT Long An - ông Nguyễn Lành - cho biết, ông rất muốn ra quyết định cho thôi việc để CBVC được hưởng chế độ và có cơ sở đi tìm việc khác, nhưng với những gì có trong tay (Đề án 02 của Tỉnh ủy và Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh trong cuộc làm việc ngày 20.7.2018) thì ông chưa đủ cơ sở để ra quyết định cho thôi việc. Trong khi đó, các ngành chức năng thì yêu cầu ”chờ” hướng dẫn thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn