MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành công nghiệp may mặc tại huyện Cẩm Khê phát triển nhanh chóng. Ảnh: Tô Công

Hàng vạn lao động không phải ly hương

Tô Công LDO | 23/03/2024 10:00

Làn sóng công nghiệp phát triển tại huyện chiêm trũng Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ những năm qua đã tạo việc làm cho hàng vạn người lao động. Trong đó, không ít công nhân lành nghề, làm việc gắn bó được hưởng mức thù lao cao hơn nhiều so với mặt bằng chung.

Hết cảnh phải thoát ly

Được biết đến là vùng đất “chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn”, huyện Cẩm Khê với nhiều diện tích đồng ruộng chiêm trũng, sảm xuất nông nghiệp rất khó khăn. Chính vì vậy, những năm trước, nhiều người lao động phải tha hương xứ người để tìm kiếm việc làm.

Những năm qua, nhờ có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các cụm công nghiệp, khu công nghiệp tại huyện Cẩm Khê, giải quyết việc làm cho hàng vạn người lao động.

Không chỉ vậy, nhiều công nhân lành nghề và thời gian làm việc lâu dài với các doanh nghiệp có mức thù lao khá tốt, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung các công nhân phổ thông trên địa bàn. Điều này khiến cho các công nhân muốn gắn bó lâu hơn với công việc nói riêng, quê hương mình nói chung.

Chị Hà Thị Vân ở xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê đã có hơn 2 năm làm công nhân may tại Công ty TNHH Yida Việt Nam (thuộc cụm công nghiệp thị trấn Sông Thao).

Những tháng đầu tiên khi học việc, chị Vân nhận mức lương 5-6 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, hiện nay tổng thu nhập đã thường xuyên trên 12 triệu đồng/tháng, những tháng tăng ca nhiều có thể đạt 15 triệu đồng/tháng.

“Tại công ty, có rất nhiều người có mức thu nhập từ 15 đến 18 triệu đồng/tháng, ngang thậm chí hơn cả quản lý.

Thu nhập ổn định, nơi làm việc gần nhà không tốn tiền ăn ở nên công nhân dành dụm được tiền, trước kia tôi làm ở Hà Nội không làm được điều này vì các chi phí hằng ngày đắt đỏ. Thế nên, giờ tôi xác định là ở quê chứ chẳng phải đi đâu xa làm gì cả” - chị Vân chia sẻ.

Hai năm trước, vợ chồng anh Nguyễn Huy Định ở xã Tuy Lộc cùng làm công nhân tại Hà Nội. Thế nhưng, vì công ty thiếu đơn hàng nên phải nghỉ việc. Sau đó, hai vợ chồng quyết định bỏ phố về quê, đến nay anh Định đã làm Tổ trưởng dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Sunrise Công nghiệp Việt Nam (khu công nghiệp Cẩm Khê).

“Tôi cũng rất bất ngờ vì không nghĩ rằng ở quê giờ có nhiều cơ hội việc làm đến vậy, với lại vì chủ yếu là các công ty mới nên cơ hội thăng tiến từ công nhân lên làm quản lý cũng nhiều hơn.

Hiện mức lương của tôi khoảng 12 đến 15 triệu đồng, vợ tôi khoảng 8 triệu đồng/tháng. Nếu cứ ổn định như thế này, tất nhiên tôi sẽ không bỏ quê lên phố nữa” - anh Định nói.

Công đoàn góp phần giữ chân lao động

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Trần Ngọc Đương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Cẩm Khê - cho biết, những năm qua, với sự phát triển nhanh chóng về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các doanh nghiệp tại huyện Cẩm Khê đã tạo việc làm trên 10.000 lao động, số công nhân lao động từ phố về quê để làm việc trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp đều tăng nhanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

“Số lượng đoàn viên công đoàn tại huyện Cẩm Khê hiện tại đã đạt trên 8.700 người, đông thứ 2 trong tổng số 13 huyện, thị tại tỉnh Phú Thọ chỉ sau TP Việt Trì.

Với số lượng đoàn viên không ngừng tăng nhanh, các cấp Công đoàn của huyện luôn xác định, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm lo đời sống và bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân lao động, tạo môi trường làm việc hăng say, cống hiến trong mỗi nhà máy, công xưởng... giữ họ gắn bó với công việc và xây dựng quê hương” - ông Đương bộc bạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn