MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vợ chồng anh Trần Ngọc và chị Bé Tư tại Hội thi thợ giỏi Tập đoàn Dệt may Việt Nam lần V-2015. Ảnh: NVCC

Hạnh phúc trong lao động

Linh Nguyên LDO | 26/06/2021 10:00
Kết nối với chị Trần Thị Bé Tư, công nhân Tổng Công ty Việt Thắng sau ca sản xuất. Giữa âm thanh ồn ào của tiếng máy dệt, giọng chị Bé Tư vẫn cuốn hút người nghe. Có lẽ, phần nhiều là do câu chuyện “thắp lửa yêu thương” từ chính phân xưởng sản xuất này.

“Giúp người ta, người ta giỏi hơn mình thì mình mừng”

Xuất phát từ một công nhân đứng máy, đến nay chị Bé Tư đã đảm nhận vị trí trưởng ca sản xuất. Trong suốt quá trình ấy, chị Bé Tư đã chăm chỉ rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm.

Công đoạn đứng máy dệt mặc dù không phải làm thêm giờ như công đoạn may, nhưng cũng rất vất vả, đòi hỏi người thợ phải đi tua thường xuyên, kiểm tra mặt vải để phát hiện lỗi kịp thời, hạn chế lỗi kéo dài (dọc sợi, chùng sợi, xoắn kiến...) để vải dệt ra đảm bảo chất lượng, hạn chế phế phẩm, tiết kiệm chi phí cho nhà máy. Với những mẫu vải mới, chị Tư cũng cố gắng thao tác đúng để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và đảm bảo năng suất.

Từ lúc là công nhân hay khi đã trở thành trưởng ca, chị Bé Tư luôn trau dồi kinh nghiệm, nâng cao năng lực quản lý; nỗ lực rèn luyện kỹ năng, tay nghề. Điều đặc biệt đáng quý ở chị Bé Tư là sẵn sàng hướng dẫn, kèm cặp đồng nghiệp cùng tiến bộ, nhất là những thợ trẻ mới vào nghề. Chị Bé Tư chia sẻ nghề này có 2 yếu tố cần nhất là cẩn thận và tỉ mỉ. Cẩn thận thì ai vào nghề cũng xác định nằm lòng vì điều này còn liên quan đến an toàn trong lao động. Chị Bé Tư luôn dặn những đồng nghiệp trong ca trước khi mở máy phải quan sát xung quanh, tránh tình trạng có ai đó đang đặt tay trên máy dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Còn tỉ mỉ thì buộc phải trau dồi, tỉ mỉ để sản phẩm đạt chất lượng.

Không phải khi đã trở thành trưởng ca chị Bé Tư mới hướng dẫn, giúp đỡ đồng nghiệp, mà ngay từ khi còn là công nhân đứng máy, chị đã chia sẻ kinh nghiệm mình có được với đồng nghiệp. Với người mới vào chị hướng dẫn cụ thể các thao tác; với người đã có thời gian làm nhưng thao tác còn chậm thì chỉ cho cách làm nhanh hơn… Những việc làm này được chị Bé Tư làm bằng cả tấm lòng nhiệt thành và bao dung. Chị bảo “giúp người ta, người ta giỏi hơn mình thì mình mừng”. Hiện ca A Nhà máy Dệt 1 của chị Bé Tư có 21 lao động. Từ tấm gương của trưởng ca, tất cả lao động của ca luôn thương yêu, chia sẻ, giúp nhau trong cả công việc và cuộc sống.

Tình yêu đến từ trong lao động

Khi chính thức trở thành một thành viên trong ngôi nhà Tổng Công ty Việt Thắng cách đây 14 năm, cô gái Trần Thị Bé Tư đến từ Trà Vinh không nghĩ nơi đây mang lại cho mình nhiều thứ đến thế, mà điều lớn nhất chính là đích đến của mỗi đời người - đó là tổ ấm gia đình.

Nhớ lại ngày ấy, Bé Tư và anh Trần Ngọc đi 2 ca riêng. Anh tan ca thì chị vào ca nên cả 2 không có cơ hội để chuyện trò. Nhưng rồi, cái tính hiền lành, nét duyên dáng cộng với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc của chị Bé Tư đã cuốn hút anh Ngọc. Còn chị Bé Tư lại bị rung động bởi vẻ “hiền khô” và “dễ thương” cùng tinh thần chịu khó “thường xuyên đi làm sớm, ai nhờ gì cũng làm” của anh Ngọc mà cảm mến, mà yêu thương…

Hiện anh chị đã có 1 con trai 8 tuổi, cháu luôn tự giác học tập và tự lập trong cuộc sống, năm học nào cũng được nhà trường tặng giấy khen. Về với nhau để xây dựng tổ ấm từ lúc còn là công nhân, lại xa quê, vợ chồng chị Bé Tư gặp không ít khó khăn. Nhưng bằng tình yêu thương, anh chị đã san sẻ thời gian để ai cũng có thể vừa hoàn thành công việc vừa có thời gian cho gia đình. Chị Bé Tư đi làm ca, anh Ngọc làm hành chính nên anh Ngọc “giành” làm hầu hết việc nhà, dạy con học để vợ yên tâm đi làm. Còn chị Bé Tư, trước khi vào ca, lo chu đáo cơm nước cho chồng con.

Tình yêu trong lao động của anh chị không chỉ đơm hoa, kết trái thành tổ ấm mà còn đem lại cho anh chị 1 mái nhà theo đúng nghĩa. Hơn 10 năm làm việc miệt mài, chăm chỉ tại tổng công ty, ngoài tiền lương, anh chị cũng thường xuyên được thưởng nên thu nhập cũng đảm bảo. Nhờ chi tiêu hợp lý, anh chị đã tiết kiệm và vay mượn thêm một chút để mua được căn nhà nhỏ, ổn định cuộc sống.

Không chỉ cùng xây dựng hạnh phúc gia đình, chị Bé Tư và anh Trần Ngọc còn luôn bên nhau trong công việc. Từ năm 2015 đến nay, anh chị đã hướng dẫn cho hơn 150 CNLĐ. Tính chất nghề nghiệp của anh chị có thể bổ trợ, kết hợp cùng nhau nên anh chị luôn được công ty lựa chọn là một cặp đôi xuất sắc để tham gia các cuộc thi tay nghề. Ngoài chuyên môn, anh chị cũng tích cực tham gia các phong trào thi đua do CĐ, đoàn thanh niên các cấp phát động. Bên cạnh những thành tích, cá nhân, anh chị còn từng đạt Giải “Bàn tay Vàng ngành Dệt” tại Hội thi thợ giỏi Tập đoàn Dệt may Việt Nam; được Công đoàn Dệt may Việt Nam xét chọn là “Gia đình Dệt May tiêu biểu”; được tuyên dương là 2 trong 90 CNLĐ tiêu biểu dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam do Công đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn