MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ ngành Bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả chế độ bảo hiểm xã hội cho người dân. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Hành trình 1/4 thế kỷ đáng tự hào của Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Trần Kiều LDO | 24/12/2019 10:55

Sau 25 năm có quyết định thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), chính sách an sinh xã hội mà trong đó BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) là trụ cột đã được phát triển một cách vượt bậc. Quy mô và đối tượng tham gia vào chính sách bảo hiểm đã tăng lên đạt 90% độ bao phủ, trong đó đã đạt 30% độ bao phủ ở lực lượng lao động. Đây là một hành trình rất đỗi tự hào của ngành BHXH nói riêng và hệ thống trụ cột an sinh xã hội nói chung.

Những con số biết nói

Cách đây vừa tròn 25 năm, ngày 16.2.1995, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký ban hành Nghị định số 19/CP của Chính phủ thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đây là một sự kiện vô cùng quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi thành lập nước, một cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ về thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã được thành lập. Cũng chính từ đây, việc đảm bảo các quyền lợi về BHXH, BHYT của người lao động và mọi người dân được thực hiện đầy đủ hơn, kịp thời hơn và ngày càng tốt hơn.

Theo thống kê của ngành BHXH, đến nay, số người tham gia BHXH, BHYT liên tục tăng lên qua các năm. Năm đầu tiên thực hiện Điều lệ BHXH (năm 1995), cả nước có trên 2,2 triệu người lao động tham gia BHXH bắt buộc. Năm 2003, sau một năm hợp nhất BHXH và BHYT, cả nước có gần 11,5 triệu người tham gia BHYT. Năm 2019 ước có trên 85,2 triệu người tham gia (đạt tỉ lệ bao phủ gần 90% dân số). Năm 2009 - năm đầu tiên thực hiện bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), cả nước có gần 6 triệu người lao động tham gia BHTN và đến năm 2019, ước có gần 13,4 triệu người tham gia.

Tính đến hết năm 2019, toàn quốc đã có gần 16 triệu người tham gia BHXH, hơn 13,2 triệu người tham gia BHTN và gần 86 triệu người tham gia BHYT (đạt tỉ lệ bao phủ gần 90% dân số).

Không chỉ mở rộng về đối tượng, việc giải quyết chế độ cho người tham gia cũng luôn được đảm bảo. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, sau 25 năm, đã có gần 2,5 triệu người được hưởng các chế độ BHXH hằng tháng; trên 10 triệu người hưởng BHXH một lần; trên 100 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; gần 5,3 triệu người hưởng BHTN và trên 1,801 triệu người được hưởng các chế độ khám chữa bệnh BHYT.

Vững mạnh qua từng năm tháng

Để có được những “trái ngọt đầu mùa” nói trên, hơn bao giờ hết, những người cán bộ, nhân viên ngành BHXH đã không ngừng đổi mới và phát triển trên tinh thần tận tâm, chuyên nghiệp và bền vững.

Bên cạnh việc tập trung nguồn lực và thời gian thực hiện cải cách các thủ tục hành chính; suốt 25 năm qua, ngành BHXH Việt Nam còn đẩy mạnh hội nhập quốc tế một cách sâu rộng. Và đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết, quản lý hồ sơ khách hàng.

Với những nỗ lực đó, hiện nay ngành đã giảm 75% số lượng thủ tục hành chính (từ 115 thủ tục năm 2014 xuống còn 33 thủ tục năm 2015; 32 thủ tục năm 2016; 28 thủ tục năm 2017, 2018 và 27 thủ tục năm 2019); giảm từ 335 giờ năm 2014 xuống còn 147 giờ năm 2018 theo tính toán của Ngân hàng Thế giới. Ngành cân đối được nguồn quỹ một cách tương đối với kết dư hơn 600.000 tỉ đồng.

Mặt khác, BHXH Việt Nam cũng đã hoàn thiện và quản lý tập trung cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT theo mã số BHXH, với thông tin của hơn 93 triệu dân, tương ứng khoảng 25 triệu hộ gia đình trên toàn quốc. Điều này giúp tạo tiền đề cho việc xây dựng, kết nối liên thông, hoàn thiện hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của ngành, tiến tới xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về người tham gia BHYT, BHXH. Đồng thời, đây cũng là nguồn dữ liệu quan trọng được sử dụng trên hệ thống thông tin giám định BHYT để kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý quỹ BHYT của BHXH Việt Nam; là cơ sở để xây dựng và phát hành thẻ an sinh xã hội cho người dân.

Theo như đánh giá của ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Sau 25 năm hình thành và đổi mới của ngành BHXH Việt Nam, có thể khẳng định BHXH Việt Nam đúng là trụ cột an sinh xã hội quan trọng của đất nước; thực hiện một nhiệm vụ hết sức quan trọng là đảm bảo đời sống cho những người về hưu, những người yếu thế, ốm đau, chăm lo sức khỏe đời sống và góp phần phát triển một xã hội ổn định, văn minh. Đây là một quan điểm đúng đắn của Đảng và nhà nước chúng ta chăm lo cho người dân, không để cho ai bị bỏ lại phía sau”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn