MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hành trình đòi quyền lợi chính đáng của 2 cựu công nhân cầu đường

Trần Tuấn LDO | 18/11/2020 10:51
Lúc định buông xuôi, coi như mất số tiền hàng trăm triệu tích góp, 2 công nhân cầu đường được một người bạn giới thiệu đến Báo Lao Động.

Gần như vô vọng

Đó là một ngày cuối tháng 4.2020. Tại phòng tiếp bạn đọc của Báo Lao Động tại số 6 đường Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy, Hà Nội), 2 người đàn ông khoảng 60 tuổi cầm theo một tập tài liệu dày được chia thành 2 túi hồ sơ.

"Chúng tôi cho công ty của mình vay hàng trăm triệu nhưng nhiều năm chưa được hoàn trả dù đã đòi bằng nhiều cách, mất nhiều thời gian, công sức", một người nói với phóng viên và cho biết "được một người bạn giới thiệu đến Báo Lao Động".

Theo lời giới thiệu, họ từng làm công nhân cầu đường tại Công ty cổ phần Công trình giao thông 116 (521 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, gọi tắt là Cty 116).

Ông Điệp, ông Quang trong buổi làm việc với PV Báo Lao Động. Ảnh: Trần Tuấn.

Ông Chu Hồng Điệp (61 tuổi, Bình Lục, Hà Nam) và ông Đặng Văn Quang (59 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) đã có quá trình hàng chục năm gắn bó với Công ty 116. Tuổi thanh xuân của họ là những tháng ngày đằng đẵng xa gia đình, đổ mồ hôi trên công trường để xây dựng nhiều tuyến giao thông lớn của quốc gia như Quốc lộ 1A, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, đường Bắc Thăng Long – Nội Bài... Vậy nhưng, đến tuổi nghỉ hưu lại rơi vào cảnh trớ trêu: Phải cho Công ty 116 vay hàng trăm triệu đồng tất toán cho BHXH mới đủ điều kiện về hưu. Và số tiền đó, dù đã đòi bằng nhiều cách, sau nhiều năm vẫn chưa được công ty trả lại.

"Chúng tôi đã gửi đơn nghị đến một số cơ quan chức năng nhưng tình hình cũng không khả quan hơn", ông Điệp cho biết và đề nghị Báo Lao Động hãy vào cuộc phản ánh vụ việc này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người lao động như ông.

Báo Lao Động vào cuộc

Tiếp nhận phản ánh của ông Điệp, ông Quang, phóng viên Báo Lao Động đã vào cuộc tìm hiểu, xác minh vụ việc và thu thập hồ sơ. Chúng tôi cũng tiến hành lấy thông tin đa chiều từ phía người lao động, cơ quan chức năng như Bảo hiểm xã hội Hà Nội, Công đoàn ngành Giao thông Vận tải và đại diện công ty Cienco1 (Chủ sở hữu của Công ty 116 trước khi cổ phần hoá). Đồng thời là các phân tích pháp lý về vụ việc dưới góc nhìn của các luật sư.

Đầu tháng 5.2020, loạt bài: Kỳ lạ chuyện phải cho công ty vay hàng trăm triệu đồng để được... về hưu bắt đầu được đăng tải trên Laodong.vn, kéo dài đến tháng 8.2020.

Sau khi loạt bài đăng tải, ông Điệp, ông Quang cho biết nhận được sự động viên, chia sẻ từ bạn bè, đồng nghiệp và người thân. Đại diện Công ty 116 cho biết sẽ sớm sắp xếp buổi làm việc với ông Điệp, ông Quang, dưới sự chứng kiến của phóng viên Báo Lao Động. Liên quan đến phản ánh trên báo, đại diện Công an quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) cũng đã có một số buổi làm việc với Công ty 116 để thu thập hồ sơ, xác minh các dấu hiệu sai phạm.

Trụ sở công ty 116. Ảnh: Trần Tuấn.

Trong buổi làm việc vào đầu tháng 10.2020, đại diện Công ty 116 là Giám đốc Nguyễn Huy Triều cùng đại diện người lao động là ông Chu Hồng Điệp và ông Đặng Văn Quang xác nhận: Công ty 116 nợ ông Điệp số tiền 210 triệu đồng cùng 1 cây vàng SJC từ năm 2012 và nợ ông Quang số tiền là 194 triệu đồng từ năm 2017.

Đồng thời, Công ty 116 cũng buộc phải cam kết sẽ trả nợ cho ông Chu Hồng Điệp mỗi tháng 7 triệu đồng, ông Đặng Văn Quang mỗi tháng 3 triệu đồng. Việc trả nợ kéo dài liên tục cho đến khi hết số nợ mà công ty đã vay.

Thông tin đến Báo Lao Động, ông Điệp cho biết, số tiền theo cam kết vào tháng 10.2020, Công ty 116 đã chuyển đủ cho ông và ông Quang.

"Có thời điểm, sự trốn tránh trách nhiệm của lãnh đạo Cty 116 khiến chúng tôi gần như vô vọng. Rất mong Báo Lao Động tiếp tục giám sát vụ việc cho đến khi người lao động chúng tôi nhận lại được trọn vẹn số tiền mồ hôi xương máu của mình", ông Điệp nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn