MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Bùi Văn Duy bế con trước bàn thờ chị Ngọc, hằng ngày thương nhớ người vợ. Ảnh: VL

Hành trình giải cứu người lao động

Lê Hoa LDO | 14/08/2020 15:00
Công tác ở báo Lao Động hơn 8 năm, tiếp nhận thông tin bạn đọc là việc làm thường xuyên đối với nhà báo Nguyễn Phước Tín (Văn phòng Miền Trung-Tây Nguyên). Nhưng trong hành trình xử lý đơn thư bạn đọc ấy, anh Tín không thể nào quên được quá trình can thiệp, đưa một lao động bị bóc lột sức lao động ở nước ngoài về nước.

Trung tuần tháng 3.2017, nhận được đơn thư kêu cứu của bà Lê Thị Lai (SN 1956, mẹ lao động Bùi Thị Thân), nhà báo Nguyễn Phước Tín tức tốc vượt hàng trăm kilômét về xã Quốc Oai (huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng) tìm hiểu sự việc. Anh Tín kể: “Tiếp chúng tôi, bà Lai nước mắt ngắn dài, bảo bà không biết gì hết, chỉ biết con bà đang sống với... nỗi sợ hãi tại Saudi Arabia. Nơi cách đây gần 1 năm, Thân rời bỏ căn nhà tồi tàn, nằm heo hút cạnh cánh đồng cô quạnh với cha già, mẹ héo, con dại... để đi sang nước ngoài làm giúp việc gia đình. Thân đi làm việc nơi xứ người với mong muốn duy nhất đổi đời, có nhiều tiền “giải phóng” khoản nợ nần đang vây lấy gia đình".

Trong quá trình tác nghiệp của mình, anh Tín không quên tiếng nấc của người lao động ở đầu dây bên kia: "Em đã bị chủ bán 2 lần. Em không còn cách nào khác. Em đã thoát chạy đến đại sứ quán cầu cứu. Em phải ở đây. Em không dám đi ra ngoài nữa".

Sau khi lắng nghe tiếng lòng, nắm bắt thực trạng đang gặp phải của người lao động, nhà báo Phước Tín cùng cộng sự của mình đã thực hiện 6 kỳ phản ánh sự việc này. Những bài báo lần lượt đăng tải trên báo Lao Động, ngay sau đó được Cục Quản lý Lao động ngoài nước vào cuộc, Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia cũng vào cuộc hỗ trợ.

Những bài viết của anh Tín truyền tải được trăn trở của người lao động làm giúp việc nơi xứ người và đánh thức trách nhiệm của đơn vị liên quan vào cuộc giải cứu người lao động. Loạt bài viết trên đã nhận được những phản hồi tích cực phía cơ quan chức năng và người lao động được về nhà như nguyện vọng.

“Hơn 0h đêm 11.4.2017, tôi nhận được tin nhắn từ Thân là “Em về đến TP.Hồ Chí Minh rồi”. Tiếp đó, đến trưa 11.4, Thân đã về đến gia đình trên chiếc xe máy tồi tàn của người cha bần khổ. Sau nhiều ngày đeo bám vụ việc của Thân ở Saudi Arabia đến từng chặng đường bay mà Thân đi qua, cảm xúc của chúng tôi lúc này không gì khác là thở phào nhẹ nhõm, pha lẫn hạnh phúc” - anh Tín xúc động kể.

Đòi quyền lợi chính đáng cho người lao động

Nhà báo Bùi Việt Lâm - Phó Trưởng ban Công đoàn-Bạn đọc - kể lại, đó là trường hợp chị Lò Thị Ngọc (thôn Lai Trì, xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn, Hòa Bình), sinh năm 1990, đi làm nghề giúp việc gia đình tại Saudi Arabia và tử vong bên xứ người. Gọi đến đường dây nóng Báo Lao Động, anh Bùi Văn Duy - chồng chị Ngọc - run run đề nghị Báo Lao Động giúp đỡ, xác minh làm rõ công ty nào đưa vợ anh đi làm nghề giúp việc và trách nhiệm đến đâu trong cái chết của vợ anh. 

Những hình ảnh người thân của nạn nhân đến gặp gỡ nhà báo, anh Lâm không thể quên: “Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh anh Duy với đứa nhỏ oặt ẹo bế trên tay, nước mắt lưng tròng kể lại vụ việc bi thương của vợ và câu nói của mẹ chồng chị Ngọc là "khi đi xuất khẩu lao động con dâu tôi khỏe mạnh, xinh đẹp! Khi về, chỉ còn là cái xác không hồn, nằm sâu dưới ba tấc đất, bỏ lại 2 con thơ dại cho chồng! Nước mắt đàn ông mặn mòi, cay đắng làm sao”.

Một loạt bài bảo vệ quyền lợi của người lao động đã được phóng viên báo Lao Động đăng tải. Qua những bài viết, phóng viên của báo không chỉ tìm ra, chỉ rõ trách nhiệm của công ty đưa chị Ngọc đi xuất khẩu lao động không phép mà còn thông tin đến bạn đọc về cuộc sống khổ cực của những người đi xuất khẩu lao động để cảnh tỉnh về thứ mà nhiều người vẫn nghĩ là thiên đường. Nơi đó chỉ là thiên đường khi việc xuất khẩu lao động được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. 

Từ chỗ không nhận được bất kỳ sự đền bù nào, qua các bài viết báo Lao Động đăng tải, gia đình chị Ngọc đã nhận được số tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại là 350 triệu đồng. Sau khi xử lý hoàn tất đơn thư của bạn đọc và đã đòi lại quyền lợi chính đáng cho họ, nhà báo Bùi Việt Lâm không quên lời tâm sự của gia đình: "Lúc đó anh Duy - chồng của nạn nhân - nói với tôi là người thì cũng mất rồi, điều gia đình họ cần mà chúng tôi đã làm được là buộc công ty đưa chị Ngọc đi xuất khẩu lao động phải nhận trách nhiệm, thực hiện trách nhiệm đó với gia đình".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn