MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe siêu thị đoàn viên Công đoàn do Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội tổ chức tháng 10.2023. Ảnh: Hải Yến

Hầu hết người lao động đã bị giảm thu nhập

Linh Nguyên LDO | 18/12/2023 06:30

Sự đứt gẫy các chuỗi cung ứng do hệ lụy của đại dịch COVID-19, do suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động (NLĐ) vì họ thiếu việc làm, bị giảm lương. Vì vậy, đã đến lúc nhất định phải tăng lương tối thiểu vùng để phần nào giảm bớt khó khăn mà NLĐ đang phải hàng ngày đối mặt.

Chỉ mong lương tăng

Hồi trung tuần tháng 10, chị Nguyễn Thị Phương - Công ty TNHH Nidec Techno Motor Việt Nam (khu công nghệ cao Hòa Lạc) đã rất vui mừng vì vừa được phát phiếu mua hàng, vừa được mua hàng hóa thiết yếu với giá ưu đãi từ Xe siêu thị đoàn viên Công đoàn do Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội tổ chức.

Lúc đó, chị chia sẻ: “Đơn hàng giảm nên thu nhập của chúng tôi giảm. Bình thường đã phải tiết kiệm lắm mới đủ chia tiêu, giờ thu nhập giảm thì chưa biết xoay sở thế nào, may sao công đoàn mang những mặt hàng thiết yếu đến cho chúng tôi với giá ưu đãi. Chúng tôi còn được nhận phiếu mua hàng trị giá 100.000 đồng. Thế là tháng này bớt khó khăn rồi”.

Giờ đây, điều chị Phương cũng như tất cả các công nhân khác mong muốn là được tăng lương. Với họ lương tăng được đồng nào hay đồng đó vì càng về cuối năm đời sống càng khó khăn. Chưa nói đến chi tiêu cho ngày Tết thì vật giá ngày thường cũng đã tăng, mà thu nhập thì ngày càng ít đi. Có những CNLĐ cố gắng chi tiêu tằn tiện từ đầu năm để để dành chút ít tiền cho dịp Tết thì nay cũng phải mang ra chi trả cho cuộc sống hàng ngày do không có điều kiện tăng ca, việc làm ít đi…

Đã đến lúc phải tăng lương tối thiểu vùng

Ông Phan Thanh Hải - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (KCN Thạch Thất) - cho biết, thực tế cho thấy hiện nay NLĐ gặp rất nhiều khó khăn. Những khó khăn này đến từ việc chuỗi cung ứng bị đứt gẫy do hậu quả của đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó là sự suy thoái kinh tế thế giới, chiến tranh diễn ra giữa các nước. Tất cả những yếu tố trên khiến cho đời sống NLĐ vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Đến thời điểm này, hầu hết NLĐ đã bị giảm thu nhập do thiếu việc làm dẫn đến lương bị giảm.

Ở cấp cơ sở, tổ chức Công đoàn đã tích cực phối hợp tìm mọi giải pháp để tháo gỡ khó khăn nhưng tình trạng không được cải thiện bao nhiêu. Do đó, đã đến lúc nhất định phải tăng lương tối thiểu vùng. Lương tối thiểu vùng hiểu đơn giản là mức lương thấp nhất mà chủ sử dụng lao động thỏa thuận, trả lương cho NLĐ trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, tổ chức hoặc công ty, cơ quan, tổ chức nước ngoài… Vì thế, để đỡ được một phần khó khăn cho NLĐ, nhất là trong lúc này, cần thiết phải tăng lương tối thiểu vùng.

Còn ông Nguyễn Đức Nhân - Phó phòng kỹ thuật, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội (Khu công nghiệp Quang Minh) phân tích: Khi giá cả thị trường có sự điều chỉnh tăng, lạm phát mỗi năm vẫn có thì việc tăng mức thu nhập cho NLĐ là cần thiết. Nếu cứ giữ nguyên mức lương hiện tại thì qua mỗi năm lương của công nhân viên coi như bị giảm đi. Do đó, việc tăng lương là cần thiết - ông Nhân nhấn mạnh và nói thêm: Tăng lương hàng năm là việc làm cần thiết cho NLĐ, cũng như thúc đẩy mối quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp.

Một số công ty hiểu được và quan tâm đến NLĐ thì họ sẽ tự động tăng lương cho công nhân theo từng năm, còn một số công ty đưa ra lý do khó khăn và không tăng lương cho công nhân. Vì vậy mong muốn cơ quan Nhà nước đưa ra mức lương tối thiểu vùng để các công ty làm căn cứ, tham khảo tăng lương cho NLĐ nhằm đáp ứng mức sống tối thiểu cho NLĐ, góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn