MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hệ lụy phía sau những vụ tai nạn lao động

Phương Ngân LDO | 19/04/2023 11:32

TP Hồ Chí Minh - Tai nạn lao động (TNLĐ) để lại nhiều hệ lụy cho chính người bị nạn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, công việc và cuộc sống. Đối với những người là lao động chính trong gia đình, khi gặp phải sự cố, gia đình người lao động (NLĐ) cũng rơi vào cảnh khốn khó.

This browser does not support the video element.

Clip Anh Huỳnh Phúc Thiện kể về việc bị tai nạn lao động.

Mất sức lao động

Trong cái nắng gay gắt những ngày giữa tháng 4, chúng tôi tìm đến phòng trọ của anh Huỳnh Phúc Thiện (47 tuổi) tại một con hẻm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Dẫn chúng tôi lên phòng trọ với đôi chân ốm yếu, anh Thiện phải vượt qua chiếc cầu thang nhỏ bằng sắt dẫn lên lầu 1. Gọi là phòng trọ nhưng nơi đây chỉ có vỏn vẹn chưa đầy 10m2. Căn phòng trọ không có nhà vệ sinh, nơi rửa chén và giặt giũ quần áo, bởi diện tích chỉ vừa đủ chứa một chiếc nệm để làm nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của cả gia đình 3 người.

 Không thể đi làm, anh Thiện ở nhà phụ giúp vợ con làm công việc nhà. Ảnh: Phương Ngân

Anh Thiện kể, quê ở Cần Thơ, khi lên 6 tuổi, cha mẹ đưa anh lên TP Hồ Chí Minh cùng sinh sống ở nhà ngoại. Gia đình khó khăn không có nhà riêng tại thành phố, nên khi lớn lên anh ra thuê nhà trọ ở riêng. Mong đi làm tích góp số tiền để cuộc sống đỡ vất vả hơn, nhưng tai họa bất ngờ ập đến, mọi dự định của anh tan biến.

Năm 2013, khi làm việc tại nhà máy, tay phải của anh bị máy bế dập dẫn đến thương tật 38%, di chứng để lại bàn tay anh biến dạng, không còn sinh hoạt bình thường.

“Trước khi bị TNLĐ, tôi từng bị tai nạn giao thông trên đường đi làm. Hậu quả để lại là chân tôi bị yếu đi, đi lại cũng khó khăn hơn người bình thường. Cộng với di chứng để lại từ sau vụ TNLĐ, tôi không còn đủ sức khỏe để đi làm, xin việc nhiều nơi đều bị từ chối” - anh Thiện nhớ lại.

Từ một người là trụ cột chính trong gia đình, sau vụ tai nạn, anh Thiện bị mất sức lao động, mọi gánh nặng chi phí đều đè lên đôi vai của người vợ. Hàng ngày, vợ anh ra chợ bán hoa, còn anh ở nhà làm công việc nhà, con gái học lớp 10 lúc rảnh rỗi cũng sẽ ra phụ bán với mẹ. Những tưởng cuộc sống sẽ trôi qua êm đềm, nhưng một lần nữa tai họa lại ập đến, khi căn bệnh ung thư quái ác đã cướp đi sức khỏe của vợ anh.

Nguồn thu nhập cuối cùng để nuôi sống 3 thành viên gia đình anh Thiện cũng mất, thay vào đó là những nỗi lo cơm áo, thuốc men và tiền học của con.

“Mỗi tháng, tôi được trợ cấp thương tật hơn 800 nghìn đồng, cộng với tiền buôn bán của vợ, chắt bóp cũng đủ sống. Nhưng giờ... khổ quá rồi!” - anh Thiện vừa nói vừa lau nước mắt.

Không được lơ là, chủ quan

May mắn hơn anh Thiện, ông Đinh Trọng Mạnh (70 tuổi) cũng từng bị TNLĐ khi đang làm việc trực tiếp với máy cán gạch. Hậu quả để lại ông bị tổn thương bàn tay và mất một ngón tay. Tuy nhiên, tổn thương không quá nghiêm trọng nên ông vẫn có thể tiếp tục lao động.

Ông Mạnh cho biết, bản thân ông do lơ là nên mới dẫn đến TNLĐ. Vì thế, khi làm việc NLĐ không được lơ là, chủ quan sẽ dẫn đến TNLĐ, nghiêm trọng sẽ dẫn đến chết người. Bên cạnh đó, cần làm đúng quy trình sản xuất, điều khiển máy móc và sử dụng bảo hộ lao động theo đúng quy định để đảm bảo an toàn cho bản thân.

 Nhiều vụ tai nạn lao động do người lao động lơ là, thiếu bảo hộ lao động. Ảnh minh họa: Nam Dương

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, trong năm 2022, trên địa bàn xảy ra 75 vụ TNLĐ, làm thiệt mạng 78 người, bị thương 6 người, nhiều hơn 27 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Các vụ TNLĐ tập trung chủ yếu trong một số lĩnh vực xây dựng, sản xuất, dịch vụ, vận tải, giáo dục.

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNLĐ là do NLĐ lơ là, không được trang bị kiến thức an toàn - vệ sinh lao động (ATVSLĐ), bảo hộ lao động và không làm đúng quy trình vận hành máy móc, thiết bị.

Bên cạnh đó, đơn vị sử dụng lao động cũng thiếu kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ, không cung cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn