MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân đến Trạm y tế xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) xin giấy chứng nhận F0 để hưởng bảo hiểm xã hội. Ảnh: Phương Hạnh

Hết F0, công nhân xếp hàng chờ xin Giấy nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội

Hạnh Phương LDO | 05/03/2022 07:33
Giấy chứng nhận nghỉ ốm khi người lao động mắc COVID-19 điều trị tại nhà là cơ sở để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Theo đó, trạm y tế nơi quản lý, điều trị bệnh nhân có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận này. Theo ghi nhận của PV, có khá đông công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) và Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) đã đến Trạm y tế xã Kim Chung (huyện Đông Anh) xin giấy chứng nhận F0.

Chờ đợi lâu

Chị Hoàng Thị Huyền - công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long có mặt từ khá sớm để hỏi về giấy quyết định hết cách ly với F1, giấy ra viện và giấy hết cách ly đối với F0. Chờ đợi hơn 1 tiếng, nhân viên y tế yêu cầu gọi theo số điện thoại ghi trên giấy dán cửa. “Gọi cũng không ai bắt máy” - chị Huyền cho biết.

Chị Huyền phát hiện dương tính COVID-19 ngày 23.2, đến 1.3, chị test nhanh cho kết quả âm tính. Do trạm y tế đông công nhân đến xin giấy chứng nhận trong khi chị được hẹn ngày trả giấy chứng nhận là 15.3. Nữ công nhân sốt ruột: “Tôi sợ đợi lâu như vậy sẽ ảnh hưởng tới công việc, lương thưởng”.

Công nhân muốn xin Giấy chứng nhận F0 phải điền đầy đủ thông tin vào tờ khai, sau đó nhét qua khe cửa hoặc đặt xuống đất. Khoảng 15-20 phút, cán bộ y tế sẽ ra trả lời, hướng dẫn thủ tục và đọc danh sách người nhận giấy.

Lúng túng với các thủ tục nhận bảo hiểm xã hội khi vừa hết F0, chị Nguyễn Thị Lan (công nhân Công ty TNHH Denso Việt Nam) cho hay - chị phải tham khảo qua đồng nghiệp công ty mới biết địa điểm và thủ tục lấy giấy chứng nhận. Nhưng khi đến đúng địa điểm, chị khá lo lắng vì phải đợi chờ. 

“Tôi vừa hết F0 được hai ngày xong cơ thể vẫn còn mệt. Tôi không ngồi ghế chờ mà đứng lên để dễ thở hơn. Với số lượng người như thế này, tôi hy vọng trạm y tế đẩy nhanh tiến độ hơn” - chị Lan nói.

“Cứu cánh” của nhiều công nhân

Anh Trịnh Văn Dũng - Công nhân Công ty TNHH Panasonic Việt Nam - vừa test PCR có kết quả âm tính COVID-19. Anh đến trạm y tế để xin Giấy chứng nhận nghỉ ốm do nhiễm COVID, song chờ khá lâu.

Anh Dũng có thời gian cách ly ở nhà do là F1. Chưa kịp đi làm lại, anh đã thành F0 vì lây từ người thân trong gia đình. Anh mất gần 1 tháng không đi làm. Năm 2021, dịch bệnh liên miên, anh Dũng cũng bị ngưng việc, giãn việc, thu nhập giảm sút đáng kể. Do vậy, số tiền bảo hiểm xã hội của người lao động mắc COVID-19 sẽ là khoản “cứu cánh” cho gia đình anh.

Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng BHXH TP.Hà Nội cho hay, số tiền trợ cấp cho người lao động được tính theo công thức: Mức hưởng = 75% x Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ/24 ngày x số ngày nghỉ.

Người lao động còn được nhận tiền dưỡng sức sau khi điều trị COVID-19 trong trường hợp: Sau điều trị COVID-19, trong vòng 30 ngày trở lại làm việc mà sức khỏe vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5 ngày. Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở, tức là 447.000 đồng/ngày, tổng là 2,235 triệu đồng.

Ông Phan Văn Chuyên - Trưởng trạm Y tế xã Kim Chung - cho biết, mỗi ngày có hàng trăm ca F0 trong khi lực lương nhân viên y tế có hạn. Mỗi ngày nhân viên y tế ký 500-600 giấy xác nhận hết thời gian điều trị COVID-19, giấy hưởng bảo hiểm xã hội, mỗi giấy ít nhất có 5 chữ ký nên cũng quá tải, người lao động cần hết sức thông cảm.

Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A nên bắt buộc vẫn phải có quyết định cách ly, hoàn thành cách ly và các giấy tờ khác cho bệnh nhân. Hiện nay trên thành phố có nhiều kênh thông tin để người dân có thể khai báo qua hotline của các trạm y tế, ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã, phường, thị trấn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn