MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hiến kế phát triển đội ngũ công nhân kỹ thuật cao

NAM DƯƠNG LDO | 04/05/2019 13:00
Ngày mai (5.5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ gặp gỡ đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao tại TP.Hồ Chí Minh để lắng nghe những ý kiến đóng góp, kiến nghị của người lao động nhằm có thêm thông tin trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến lực lượng công nhân, lao động kỹ thuật cao. Đây là dịp để người lao động hiến kế phát triển đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời đại công nghiệp 4.0.

Nên có chính sách tiền lương riêng đối với công nhân kỹ thuật cao

Tốt nghiệp kỹ sư điện, điện tử Trường ĐH Tôn Đức Thắng từ năm 2004, đi làm một số nơi, về làm cho Cty TNHH MTV Caosu Thống Nhất đã hơn 8 năm nay, với rất nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, từng được trao tặng Giải thưởng Tôn Đức Thắng, Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, Bằng khen của Thủ tướng, nhưng thu nhập của anh Nguyễn Vũ Đạt - kỹ sư Ban Cơ điện, Cty TNHH MTV Caosu Thống Nhất - chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng. So với nhiều bạn bè cùng trang lứa đang làm trong các DN ở khu vực ngoài nhà nước khác, thu nhập này của anh Đạt còn khá khiêm tốn.

Chị Nguyễn Thị Kim Phượng (Cty TNHH Nidec Copal Precision Việt Nam - Khu công nghệ cao, Q.9, TPHCM) cho rằng thu nhập của NLĐ có kỹ thuật cao còn hạn chế, chưa tạo được động lực để họ gắn bó với DN ở trong nước. Vì vậy, nhiều người có kỹ thuật cao chọn con đường đi xuất khẩu lao động hoặc làm việc không đúng chuyên môn.

Anh Đạt hiến kế: “Cha ông chúng ta đã đúc kết “Có thực mới vực được đạo”, do đó để phát triển được đội ngũ công nhân kỹ thuật cao, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về tiền lương đối với người có trình độ, kỹ thuật cao. Nên chăng Chính phủ cần có quy định riêng như mức lương riêng đối với công nhân kỹ thuật cao. Bởi việc ưu đãi cho riêng NLĐ có kỹ thuật cao của DN đôi khi lại vấp phải “rào cản” quy định chung nên cũng khó, trong khi khu vực ngoài nhà nước rất năng động. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều lao động giỏi chuyển ra khỏi khu vực nhà nước để có thu nhập tốt hơn”.

Lập Quỹ hỗ trợ NLĐ học tập nâng cao trình độ, tay nghề

Anh Phan Văn Hây - chuyền trưởng dây chuyền pha trộn của nhà máy thuộc Cty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam ở huyện Củ Chi, TPHCM - kể: Cách đây khoảng 3 năm, dây chuyền sản xuất của anh có 9 người. Nhưng hiện nay, khi nhà máy đầu tư thiết bị công nghệ mới, cả dây chuyền giờ chỉ cần 3 người, mỗi ngày sản xuất khoảng 750 tấn nước xả vải. Đây là kết quả của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giúp cho NLĐ có năng suất lao động cao hơn. Nhưng mặt trái của nó là khiến nhiều NLĐ mất việc nếu như không được đào tạo nâng cao tay nghề, đáp ứng nhu cầu của DN cũng như xã hội.

Ông Hoàng Thanh Giang - Phó Giám đốc kỹ thuật sản xuất, TCty Nông nghiệp Sài Gòn - cho biết: Mới đây, TCty đã đầu tư dây chuyền giết mổ, chế biến gia súc của Tây Ban Nha với công suất giết mổ lên tới 240 con/giờ, dự kiến tháng 6 sẽ khánh thành. Để chuẩn bị vận hành dây chuyền này, TCty đã đưa 10 lao động đi đào tạo tại nước ngoài, sau đó về huấn luyện lại cho các công nhân khác. Anh Giang nhận xét, nhiều trường, trung tâm đào tạo trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo cho DN. Do vậy, bên cạnh sự chủ động của DN, Chính phủ cũng cần có chỉ đạo xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn, tăng cường thực hành thay vì học nặng về lý thuyết; đặc biệt cần có những chính sách hỗ trợ NLĐ nâng cao trình độ tay nghề, nhất là lĩnh vực kỹ thuật cao.

“Chúng ta đã có chương trình cho sinh viên vay tiền để học đại học. Vậy Chính phủ cũng nên lập “Quỹ hỗ trợ công nhân kỹ thuật cao”, ai muốn học tập nâng cao trình độ, tay nghề, ngoại ngữ thì được vay vốn ưu đãi rồi trả dần vào lương sau này. Nếu được như thế, chắc chắn nhiều người sẽ có điều kiện nâng cao tay nghề. Ngoài ra, DN cũng nên có quy định, nếu công nhân đi học nâng cao tay nghề sẽ được tạo điều kiện về thời gian, công việc để học tập. Như thế chắc chắn sẽ có góp phần phát triển lực lượng công nhân kỹ thuật cao” - anh Giang kiến nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (giữa) và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường gặp gỡ công nhân lao động khu vực Đà Nẵng.Ảnh: P.V

Thúc đẩy thực hiện cam kết đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao

Một quản lý cấp cao của một Cty chuyên sản xuất các thiết bị điện tử ở Khu công nghệ cao TPHCM nhận xét: Trong bối cảnh sự hội nhập của Việt Nam với thế giới ngày càng sâu rộng, sự đầu tư, dịch chuyển của các tập đoàn, DN đa quốc gia vào Việt Nam ngày càng nhiều, nhanh chóng. Ngoài mục đích tận dụng lao động giá rẻ, các tập đoàn, DN này còn mong muốn nhận được những ưu đãi trong chính sách của Nhà nước về phát triển công nghệ cao, trong đó có nguồn nhân lực kỹ thuật cao.

Tuy nhiên, qua trao đổi với nhiều anh em, bạn bè của tôi làm trong các Cty, DN khác cho thấy, thực tế việc phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao trong DN chưa đạt mục tiêu đề ra. Nhà nước cần có những đoàn kiểm tra liên ngành cho riêng lĩnh vực này, tìm hiểu nguyên nhân vì sao mục tiêu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao trong nhiều DN chưa đạt được là do chính sách của Nhà nước chưa phù hợp hay DN không thực hiện, trên cơ sở đó có sự điều chỉnh hay chế tài phù hợp. Như vậy, DN mới thực hiện đúng cam kết với Nhà nước về đào tạo, phát triển đội ngũ công nhân lao động kỹ thuật cao.

* Ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM - cho biết: Dự kiến vào 7h30 sáng 5.5, tại TPHCM, sẽ có khoảng 400 công nhân, lao động kỹ thuật cao từ nhiều ngành nghề của cả nước về quy tụ tham gia buổi gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Các công nhân, lao động kỹ thuật cao sẽ không chỉ trình bày những tâm tư, nguyện vọng của mình với người đứng đầu Chính phủ mà còn đề xuất những ý kiến đóng góp, hiến kế nhằm thúc đẩy phát triển lực lượng công nhân kỹ thuật cao và tạo điều kiện cho đội ngũ được xem là “động lực phát triển đất nước” này được cống hiến ngày càng nhiều, tốt hơn cho doanh nghiệp, xã hội.

* Ông Lê Văn Minh - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) - cho biết: Từ nhiều năm qua, EVNHCMC đã có Chương trình về “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong Tổng công ty” nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là nhóm chuyên gia đầu ngành có trình độ chuyên môn - kỹ thuật tương đương các nước tiên tiến trong khu vực. Các ứng viên tham gia chương trình đào tạo, được công nhận chuyên gia của Tổng công ty, công nhân lành nghề và kỹ sư ASEAN được đơn vị hỗ trợ 100% các kinh phí đăng ký công nhận, kiểm tra công nhận, duy trì hội viên kỹ sư ASEAN; được tham gia các lớp đào tạo tiếp cận các công nghệ mới, các chương trình trao đổi kinh nghiệm của các nước ASEAN và được đài thọ chi phí, tạo điều kiện học tập chuyên sâu nâng cao trình độ, kỹ năng trong lĩnh vực được công nhận.

Kết quả, trong các năm qua, EVNHCMC đã tổ chức đào tạo, phát triển được 13 chuyên gia, 49 công nhân lành nghề trong Tổng công ty và đăng bạ thành công cho 34 kỹ sư ASEAN. Từ thực tế trên, thiết nghĩ Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí chất lượng và hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về năng lực nghề nghiệp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế của đội ngũ công nhân, kỹ thuật cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn