MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động bị kẹt lại tại TPHCM được tỉnh Bạc Liêu đón về. Ảnh: Sở LĐTBXH tỉnh Bạc Liêu

Hình thành tổ tư vấn, giới thiệu việc làm cho CN về từ vùng dịch

NHẬT HỒ LDO | 25/09/2021 11:00
Qua nhiều đợt, hàng chục nghìn lao động trở về từ vùng dịch, hồi hương về ĐBSCL để mưu sinh. Tuy nhiên, ngay tại quê nhà (các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau), việc làm vốn đã hiếm khiến đời sống những công nhân vừa rời khỏi thành phố về quê càng khó khăn... LĐLĐ thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) đã ra mắt mô hình “Tổ tư vấn, giới thiệu việc làm cho công nhân lao động”.

Chờ bớt dịch em sẽ trở lại thành phố

Huỳnh Thanh Toàn, quê huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đi làm công nhân cho nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh Đồng Nai đã hơn 7 năm nay. Trong sóng dịch đợt hai, Toàn tình cờ về quê rồi kẹt luôn do không thể trở lại nhà máy. “Gia đình khó khăn, đất ít nên em mới ra đi làm công nhân. Nay quay về quê trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tình hình sản xuất, kinh doanh ngưng trệ nên không biết làm gì sinh sống. Chờ dịch giảm bớt em về lại nhà máy xin việc làm tiếp” - anh Toàn nói.

Anh Trần Thanh Hùng là tài xế xe tải chở thuê vựa cá tại tỉnh Bạc Liêu đi Thành phố Hồ Chí Minh. Dịch bùng phát, anh bỏ nghề chạy xe đường dài, chuyển sang chở cá tại chợ phường 2 đi các vùng nông thôn bán. Anh Hùng cho biết: “Ngày nào bán được em kiếm chừng 200.000 đồng, ngày nào mưa quá thì cũng vừa đủ sống. Dịch bệnh khắp nơi, có thu nhập nuôi vợ, nuôi con là được lắm rồi”.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của tỉnh Bạc Liêu, toàn tỉnh có trên 100.000 người sinh sống, lao động, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Con số này tại tỉnh Cà Mau là trên 200.000 người, Sóc Trăng trên 230.000 người.

Lao động tại chỗ cũng khó tìm việc

Chủ nhà hàng Minh Minh (Thành phố Bạc Liêu), chia sẻ: “Nhà hàng hoạt động hạn chế sau hơn 2 tháng đóng cửa nên chúng tôi cắt giảm lao động, hiện chưa có nhu cầu tuyển thêm. Hiện tại làm ăn rất khó khăn, không thể tính toán gì được nên cũng không dám mở cửa đón khách”.

Theo chủ nhà hàng Minh Minh, ngày nào cũng có người điện thoại xin việc làm. Biết nhu cầu tìm việc là có, nhưng không thể đáp ứng được. 

Tỉnh Cà Mau áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 nhưng có kiểm soát, vì thế các hàng quán, dịch vụ chưa phục hồi. Thống kê sơ bộ có đến trên 20.000 lao động tự do mất việc làm khó có khả năng tìm lại việc. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau, hiện tại do tình hình dịch bệnh nên vẫn chưa mở lại sàn giao dịch việc làm.

Ông Bùi Minh Túy - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương bình Xã hội tỉnh Bạc Liêu - cho biết: “Hiện nhu cầu tìm việc làm của người dân rất cao. Sở đang tổng hợp nhu cầu việc làm của lao động để kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp tạo việc làm cho người lao động hậu COVID-19”.

Việc làm hậu COVID-19 tại nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang là áp lực lớn cho các cấp chính quyền. Trên thực tế, tại quê nhà không có việc làm thanh niên mới ra đi tìm việc. Nay nhóm này hồi hương trong bối cảnh tình hình sản xuất khó khăn, chen chân để có chỗ làm càng tạo áp lực lớn.

Ông Ngô Hồng Luận - Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, LĐLĐ tỉnh Hậu Giang - cho biết: Tỉnh này hiện có khoảng 30.000 người lao động ở các tỉnh, thành phố có dịch COVID-19 nhưng không có việc làm khoảng hơn 3 tháng nay đang trở về Hậu Giang. Qua theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng thì số lao động này muốn làm việc tại quê nhà.

“Để chăm lo đời sống, việc làm cho công nhân lao động và phát huy số lao động có tay nghề này, ngày 23.9 vừa qua, LĐLĐ thành phố Vị Thanh đã ra mắt mô hình “Tổ tư vấn, giới thiệu việc làm cho công nhân lao động”. Trước mắt, mô hình này sẽ được triển khai cho tất cả người trong độ tuổi lao động đang cần việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thành phố Vị Thanh. Mô hình này vừa giúp cho người lao động có việc làm, kiếm thêm thu nhập nuôi sống gia đình, vừa giúp doanh nghiệp tìm được nguồn lao động trong lúc khan hiếm nhân lực do ảnh hưởng dịch bệnh” - ông Luận cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn