MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bữa ăn công nhân đang thực hiện “3 tại chỗ” tại Công ty CP Nhôm Đô Thành (Hà Nội). Ảnh: Cường Ngô

Hỗ trợ bữa ăn cho NLĐ thực hiện “3 tại chỗ”: “Bão like” từ doanh nghiệp

Cường Ngô LDO | 10/09/2021 07:30

Nói về chính sách hỗ trợ bữa ăn cho công nhân đang thực hiện “3 tại chỗ”, lãnh đạo Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam cho biết, đây là một trong những chủ trương rất nhân văn và vì người lao động của tổ chức công đoàn. Ngoài mục đích hỗ trợ về vật chất, việc hỗ trợ của tổ chức công đoàn là nguồn động viên tinh thần quý giá đối với người lao động, bởi họ thấy được rằng, trong lúc khó khăn, họ được công đoàn và doanh nghiệp quan tâm.

Hỗ trợ bữa ăn - động lực để DN và NLĐ yên tâm làm việc

Sau khi nhận được quyết định về việc hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ”, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) lập tức thông báo vào nhóm chung của hiệp hội và nhận được “bão like” của cộng đồng doanh nghiệp. 

Theo ông Phương, thời điểm này, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp gỗ thực hiện mô hình sản xuất “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình này phát sinh nhiều chi phí, khiến doanh nghiệp “đuối sức”, một số doanh nghiệp buộc phải tạm dừng sản xuất. Theo thống kê của HAWA, có khoảng 50% doanh nghiệp ngành gỗ phải ngừng, đóng cửa hoặc giảm sản xuất và đối diện nguy cơ phá sản.

Với những doanh nghiệp còn hoạt động “3 tại chỗ”, theo ông Phương, thời điểm này có khoảng 30-40% lao động, công suất cầm cự ở mức 30-50% so với điều kiện bình thường. Đó là còn chưa kể những “gánh nặng” trong việc đóng bảo hiểm y tế, thất nghiệp, ngân hàng.

Chính vì vậy, khi biết thông tin Tổng LĐLĐVN có chính sách hỗ trợ tiền ăn ở mức 1 triệu đồng/người cho đoàn viên lao động thực hiện “3 tại chỗ” tại các địa phương thực hiện chỉ thị 16, ông Nguyễn Chánh Phương cho biết, doanh nghiệp ngành Gỗ rất phấn khởi. Đây là động lực để doanh nghiệp và người lao động ngành Gỗ yên tâm ở lại nhà máy làm việc.

“Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, song vẫn tìm cách để duy trì việc làm, thu nhập cho công nhân. Còn bộ phận công đoàn cũng có nhiều chính sách chăm lo, đãi ngộ đối với công nhân thực hiện “3 tại chỗ” - đó là động lực để anh em công nhân gắn bó lâu dài với doanh nghiệp” - ông Phương khẳng định.

Chủ trương rất nhân văn, vì người lao động

Trao đổi với Lao Động, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam - cho biết, từ đầu tháng 5.2021 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam, ảnh hưởng mạnh đến sản xuất và suy giảm xuất khẩu da giày của Việt Nam trong các tháng cuối năm.

“Thực tế hiện nay, trong các ngành hàng xuất khẩu thì chỉ một số ít (15%-20%) doanh nghiệp thực hiện được mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, số còn lại đều buộc phải tạm ngừng sản xuất. Theo tính toán sơ bộ của một công ty thủy sản quy mô trung bình, mức thua lỗ trung bình là 10 tỉ đồng/tháng ngưng sản xuất. 

Trong ngành Dệt may, da giày, một doanh nghiệp cỡ trung bình 4.000 lao động ngưng sản xuất, chỉ riêng khoản chi trả công nhân 14 ngày đầu đã là 4.000 người x 2,5 triệu đồng/người (bình quân) = 10 tỉ đồng” - bà Xuân nói.

Chính vì vậy, việc Tổng LĐLĐVN hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” - bà Phan Thị Thanh Xuân đánh giá là hành động rất thiết thực, giúp nâng cao dinh dưỡng để người lao động có sức khỏe làm việc tốt hơn và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong lúc này.

“Chúng tôi cho rằng, đây là một trong những chủ trương rất nhân văn và vì người lao động của tổ chức công đoàn đã thực hiện trong thời gian gần đây. Ngoài mục đích hỗ trợ về vật chất, việc hỗ trợ của tổ chức công đoàn là nguồn động viên tinh thần quý giá đối với người lao động. Bởi họ thấy được rằng, trong lúc khó khăn, họ được công đoàn và doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ” - bà Xuân nói, đồng thời cho biết, nhiều doanh nghiệp thuộc hiệp hội của bà đã gửi hồ sơ, đăng ký danh sách người lao động để được nhận hỗ trợ.

Bên cạnh đó, theo bà Xuân, để đảm bảo chính sách phúc lợi cho người lao động thực hiện “3 tại chỗ”, công đoàn cơ sở cũng có nhiều đề xuất Ban giám đốc hỗ trợ công nhân từ 150.000 - 300.000 đồng/người, ngoài việc hưởng 100% mức lương theo quy định. Đối với những trường hợp người lao động phải ở nhà chống dịch hoặc phải thực hiện cách ly, phong tỏa, công ty sẽ trả 70% lương. 

Trao đổi với Lao Động về chính sách hỗ trợ bữa ăn của Tổng LĐLĐVN, anh Trần Bá Hướng (Nghệ An) - công nhân Công ty CP Nhôm Đô Thành (Gia Lâm, Hà Nội) - cho biết: “Mới đầu, khi công ty triển khai “3 tại chỗ”, anh có phần lo lắng vì cứ nghĩ môi trường ăn nghỉ ở công ty không thể bằng ở nhà. Song, khi ăn ở tại công ty, anh đã có cái nhìn khác, bởi công ty đã chăm lo rất chu đáo.

“Không chỉ được Ban lãnh đạo công ty quan tâm, tạo điều kiện cho chúng tôi làm việc, nay còn được Tổng LĐLĐVN chăm lo, hỗ trợ bữa ăn, đây thực sự là nguồn động viên rất lớn, giúp chúng tôi vững lòng hơn” - anh Hướng chia sẻ…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn