MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân KCN Đình Trám (Việt Yên, Bắc Giang) trở lại làm việc. Ảnh minh hoạ: H.A.

Hỗ trợ chi phí đi lại, thuê nhà để thu hút lao động trở lại làm việc

ANH THƯ LDO | 22/10/2021 13:22
Cần có chính sách thu hút, hỗ trợ người lao động tham gia thị trường lao động, đặc biệt là lao động vào làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đến nay, anh Giàng A Năm đã từ Hà Nội về quê ở huyện Tủa Chùa (Điện Biên) được hơn 2 tháng. Trước đó, anh là công nhân tại công trình xây dựng ở Hà Nội, ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên không có việc làm, buộc anh phải về quê.

Tranh thủ thời gian rảnh rỗi tại quê nhà, anh Năm cùng người em trai đầu tư mở quán bán trà sữa. Trừ chi phí, anh thu 3-4 triệu đồng/tháng. Tuy đã có một công việc tại quê nhà, song anh Năm vẫn mong muốn quay trở lại Hà Nội làm việc.

Anh Năm chia sẻ: “Giờ tôi chỉ chờ xe khách chạy lại để xuống Hà Nội vì công trình xây dựng cũng đang cần người thi công. Còn quán ở nhà sẽ để em trai quản lý, vì vẫn muốn có thu thập thêm nên chỉ mong quay lại làm việc trước đây”.

Anh Năm là một trong hơn 28.200 người lao động trong quý III.2021 chịu tác động của dịch COVID-19. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cũng trong quý III.2021, có 4.700 người bị mất việc; 14.700 người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 18.900 lao động bị giảm thu nhập.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu chủ động làm việc, nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, qua đó có những giải pháp kết nối, bảo đảm nguồn cung lao động phù hợp cho người dân.

Cụ thể, người lao động trên địa bàn, tổ chức nắm các thông tin cơ bản: Công việc đang làm; số lao động đang thất nghiệp, lý do thất nghiệp, thời gian thất nghiệp, công việc và nơi làm việc gần nhất trước khi thất nghiệp… Ưu tiên tổ chức nắm bắt thông tin của người lao động trở về địa phương từ tháng 6 năm 2021 trở lại đây.

Đối với người sử dụng lao động, tổ chức nắm thông tin về tình hình tuyển dụng và nhu cầu sử dụng lao động, với các thông tin cơ bản về quy mô hoạt động và nhu cầu về lao động (số lượng, trình độ) theo từng quy mô, thời gian, khả năng thiếu hụt lao động và các chính sách của doanh nghiệp cho người lao động. Tập trung tổ chức nắm thông tin của những doanh nghiệp có quy mô lao động lớn từ 300 lao động trở lên.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu chủ động cung cấp thông tin thị trường lao động, xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương.

Tổ chức phối hợp, thông tin giữa các địa phương trong công tác hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động quay trở lại làm việc bằng phương tiện vận tải công cộng hoặc phương tiện cá nhân, ưu tiên tầm soát xét nghiệm miễn phí, tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19.

Đặc biệt, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cần có chính sách thu hút, hỗ trợ người lao động tham gia thị trường lao động, đặc biệt là lao động vào làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất như: hỗ trợ một phần trực tiếp bằng tiền mặt cho lao động chi phí đi lại, chi phí thuê nhà, chi phí y tế (xét nghiệm, cách ly); các nhu yếu phẩm thiết yếu…

Bên cạnh đó, đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu của địa phương để sẵn sàng về y tế cho người lao động khi tham gia thị trường lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn