MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
LĐLĐ tỉnh Bình Dương trao hỗ trợ 10 triệu đồng cho chị Nguyễn Kim Cương. Ảnh: Hoàng Trung

Hỗ trợ công nhân lao động đặc biệt khó khăn trong đại dịch COVID-19

ĐÌNH TRỌNG - HOÀNG TRUNG LDO | 12/05/2021 08:00
Tại Bình Dương, hai năm gần đây, có hàng trăm lao động mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động. Tại các doanh nghiệp, tổ chức công đoàn cơ sở cùng chủ doanh nghiệp vận động quyên góp hỗ trợ để công nhân lao động (CNLĐ) có tiền chữa trị và trang trải cuộc sống. Không chỉ trong doanh nghiệp, công đoàn vận động thêm nhà hảo tâm giúp đỡ nhiều trường hợp CNLĐ.

Dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thu nhập của công nhân lao động (CNLĐ) giảm sút. Đã vậy, nhiều lao động không may gặp tai nạn, bị bệnh hiểm nghèo. Làm ăn xa quê, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống, đến khi gặp nghịch cảnh, nhiều người tưởng chừng không thể vượt qua...

Bệnh hiểm nghèo khiến công nhân kiệt quệ

Hơn 1 năm nay, từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, đời sống của cả trăm nghìn CNLĐ ở Bình Dương bị tác động xấu, đẩy họ gặp nhiều khó khăn. Với những người kém may mắn thì khó khăn lại tăng lên gấp bội.

Chị Bùi Thị Hồng Tuyết (làm công nhân tại Công ty TNHH Foliot Việt Nam, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) là một trong những người kém may mắn. Chị Tuyết ở Nghệ An vào Bình Dương tìm việc mưu sinh, gần hai năm nay chị vào làm ở Công ty TNHH Foliot. Sức khỏe đang bình thường, đột nhiên cách đây 5 tháng đi khám bệnh. chị phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư quái ác. Vậy là bao nhiêu tiền của dành dụm được đều đổ vào chạy chữa thuốc men.

Thời gian hóa trị vào thuốc, chị Tuyết phải chi hơn 200 trăm triệu đồng. Đó là chưa kể tiền ăn uống, chi phí đi lại... Gom góp trong gia đình, rồi lại vay mượn thêm của người thân, bạn bè, đồng nghiệp mới có tiền để trang trải chữa trị. “Mỗi tháng thu nhập bình quân ở công ty nếu không tăng ca được gần 6 triệu. Nhưng chi phí tiền viện, thuốc men... thì mất từ 6 đến 7 triệu đồng. Làm công nhân xa quê vốn đã có phần khó khăn, giờ đây mắc thêm căn bệnh hiểm nghèo thì khó khăn ấy lại càng tăng lên gấp bội phần” - chị Tuyết chia sẻ.

Cũng gặp hoàn cảnh khó khăn, chị Nguyễn Kim Cương - công nhân Công ty TNHH Kwang Jin Wintec Việt Nam (P.Tân Hiệp, TX. Tân Uyên, Bình Dương) - mắc bệnh hiểm nghèo, nhiều tháng nay phải ở nhà trọ điều trị. Trong phòng trọ nhỏ hai mẹ con chị Cương nương tựa vào nhau để vượt qua khó khăn của bệnh tật. Tiền lương công nhân ít ỏi chỉ đủ hai mẹ con chi tiêu tằn tiện ăn uống, trả tiền phòng trọ và sinh hoạt. Tiền thuốc men và điều trị phải vay mượn. Kinh tế gia đình gần như kiệt quệ, đứa con gái phải tính đến chuyện bỏ học để đi làm có tiền phụ mẹ.

Chị Trần Thị Bích Ngọc - Công ty CP Dae Kwang Apparel - cũng không may bị bệnh hiểm nghèo, chị Võ Thị Chi - Công ty TNHH Kueng Shyenq VN - thì gặp tai nạn lao động... Còn nhiều hoàn cảnh khác trong thời gian dịch bệnh COVID-19 cũng không may gặp nghịch cảnh rời vào tình thế khó khăn.

CNLĐ bị bệnh hiểm nghèo xúc động khi nhận hỗ trợ từ LĐLĐ tỉnh trao

Tại các doanh nghiệp, tổ chức công đoàn cơ sở cùng chủ doanh nghiệp vận động quyên góp hỗ trợ để công nhân lao động (CNLĐ) có tiền chữa trị và trang trải. Không chỉ trong doanh nghiệp, công đoàn vận động thêm nhà hảo tâm giúp đỡ nhiều trường hợp CNLĐ.

LĐLĐ tỉnh Bình Dương trăn trở tìm ra giải pháp thêm một nguồn tài chính để có thể chi hỗ trợ “nóng” cho các trường hợp CNLĐ gặp khó khăn. Từ đó, Quỹ hỗ trợ CNLĐ đặc biệt khó khăn ra đời, nhiều mạnh thường quân, doanh nghiệp đã chung tay đóng góp để quỹ hỗ trợ nhanh nhất đến NLĐ gặp khó khăn.

Đầu tháng 5.2021, nhân Tháng Công nhân, LĐLĐ Bình Dương đã trực tiếp thăm hỏi, trao hỗ trợ cho chị Bùi Thị Hồng Tuyết, Nguyễn Kim Cương, Trần Thị Bích Ngọc và chị Võ Thị Chi.

Đang lúc không biết trông cậy vào đâu, mỗi công nhân nhận được 10 triệu đồng từ tổ chức công đoàn trao tận tay.

Nhận số tiền lớn trong tay, chị Bùi Thị Hồng Tuyết bất ngờ và cảm động. Nước mắt chảy tràn trên má chị Tuyết vì quá xúc động. Có thêm 10 triệu đồng, chị Tuyết sẽ có thêm chút tiền để trang trải viện phí, thăm khám bệnh trong tháng tới. Chị Tuyết cũng cho biết, từ khi mình bị bệnh hiểm nghèo, công đoàn công ty đã vận động anh chị em cán bộ nhân viên đóng góp để hỗ trợ cho cô. Công đoàn đã đề xuất và được Ban Giám đốc đồng ý cho nghỉ việc để thăm khám mà vẫn được hưởng lương và tham gia bảo hiểm đầy đủ.

Trực tiếp xuống cơ sở trao hỗ trợ cho CNLĐ, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - đề nghị các công đoàn cơ sở cần tiếp tục quan tâm, đề xuất Ban Giám đốc tạo điều kiện và có những hỗ trợ thiết thực để NLĐ vơi bớt đi khó khăn trong công việc và cuộc sống. Đồng thời mong NLĐ sẽ không ngừng phấn đấu, quyết tâm và vững niềm tin để vượt qua nghịch cảnh, vươn kên trong cuộc sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn