MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
LĐLĐ TP.Hà Nội đang có nhiều chương trình hỗ trợ cho đoàn viên, trong đó có mua hàng giảm giá, giúp những lao động nữ bớt lo lắng về cuộc sống. Ảnh: V.L

Hỗ trợ công nhân nữ ngoại tỉnh cải thiện đời sống

VŨ HẢI LDO | 11/12/2017 06:35

Đời sống của những nữ công nhân ngoại tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng các mô hình tập hợp nữ CNLĐ tại các KCN-CX đã và đang giúp họ cải thiện đời sống tinh thần, cơ sở vật chất, nhu cầu thiết yếu. Có được kết quả trên là do sự phối hợp hiệu quả giữa Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN và T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) để triển khai các chương trình hỗ trợ cho nữ CNLĐ.

Nữ công nhân ngoại tỉnh “mù tịt” về tin tức xã hội

Hiện đời sống của một bộ phận lao động nữ còn gặp khó khăn. Trong đó, những nữ CNLĐ ngoại tỉnh tại các KCN-CX ít được tiếp cận các dịch vụ, thụ hưởng văn hoá... ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của họ. Trong khi lực lượng lao động ở một số ngành đặc thù có tỉ lệ nữ chiếm tới 90%.

Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá Lương Thị Minh, đời sống của một bộ phận lao động nữ, nhất là lao động khối sản xuất kinh doanh còn khó khăn. Cơ sở vật chất, thiết chế phục vụ cho nhu cầu thiết yếu cuộc sống, đời sống tinh thần, chính sách... cho họ còn thiếu chưa đáp ứng được nhu cầu. Do vậy, ngoài công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật, các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần kiểm tra giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nữ CNLĐ; công tác an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm; bảo đảm an ninh, an toàn trật tự..., nhất là tại các khu công nghiệp.

Còn Chủ tịch Hội LHPN quận Dương Kinh (TP.Hải Phòng) Nguyễn Thị Ánh Nguyệt cho biết, hiện nay, nữ công nhân sống trong nhà trọ cơ bản được đảm bảo nhưng điều kiện sinh hoạt của các công nhân nhập cư còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, những nữ công nhân này phải sống ở nơi chật chội, phòng nhỏ hẹp, ẩm thấp vào mùa đông, nhưng mùa hè lại rất nóng nực ngột ngạt. Cùng phòng trọ, nhưng mỗi công nhân nữ ở cùng lại làm việc theo ca cộng với thói quen sinh hoạt khác nhau tạo ra những khó khăn, bất tiện...

“Nhìn chung chất lượng cuộc sống của đại đa số công nhân ở mức trung bình và thấp nhất là về đời sống tinh thần. Họ không có tivi, không đài, không báo, không trò chơi giải trí... nên tin tức về xã hội, đời sống xung quanh rất nghèo nàn” - bà Nguyệt nói.

Nhiều mô hình hay giúp lao động nữ nhập cư

Trước thực trạng trên, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phối hợp T.Ư Hội LHPN Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình, cách làm hay tập hợp được sự tham gia của lao động nữ. Qua đó, nhiều vấn đề mà lao động nữ quan tâm, bức xúc phần nào được giải quyết.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng, Tổng LĐLĐVN luôn chỉ đạo lồng ghép các hoạt động của Hội LHPN, nghiên cứu, cụ thể hoá chương trình phối hợp. Các mục tiêu, chương trình của Đại hội PNVN lần thứ XI, đầu nhiệm kỳ XII đề ra đã và đang được triển khai lồng ghép vào công tác nữ công của các LĐLĐ địa phương, công đoàn ngành, các đơn vị cơ sở, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và đạt được những kết quả nhất định.

Về một số mô hình triển khai tốt, Phó Ban Nữ công LĐLĐ TP.Hà Nội Bùi Thị Thanh Giang cho biết, ngoài cung cấp sổ tay kiến thức về chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng, về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, LĐLĐ thành phố còn phối hợp phát hành miễn phí báo cho nữ CNLĐ KCN tập trung và tổ tự quản khu nhà trọ công nhân. Qua đó, trong năm 2016-2017, đã có trên 140.000 CNLĐ của 286 doanh nghiệp trong KCN được thụ hưởng từ chương trình phối hợp trên.

Còn theo Hội LHPN TP.Hà Nội, số lao động nữ di cư từ nông thôn lên thành thị mưu sinh ngày càng tăng, phần lớn ở độ tuổi 25-35, nên nhu cầu nhà ở an toàn đối với họ rất quan trọng. Từ đó, hội đã xây dựng mô hình nhà trọ an toàn trên địa bàn huyện Đông Anh và thành lập mạng lưới tình nguyện viên, chính là những lao động nhập cư, gồm cả nam và nữ, kết nối chia sẻ thông tin về nhà trọ; về tập hợp lao động nữ nhập cư, tại các KCN-CX Hà Nội thành lập nhóm Tiên Phong gồm 30 nữ lao động nhập cư làm nòng cốt để tuyên truyền vận động những lao động nhập cư khác; tổ chức các lớp học nhảy để gắn kết chị em... Các hoạt động trên đã tiếp cận được trên 10.000 lượt lao động.

Qua khảo sát, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống, việc làm cũng như khó khăn của CNLĐ, đặc biệt nhu cầu gửi trẻ. CNLĐ phải làm ca nên thường gửi con sớm, đón con muộn trong khi thu nhập lại thấp.

LĐLĐ tỉnh đã rà soát 71 nhóm trẻ, cơ sở mầm non độc lập, tư thục trên địa bàn tỉnh, từ đó có những hỗ trợ trường mầm non có đông con CNLĐ. Một số trường được hỗ trợ đồ dùng học tập, đồ chơi, bộ sân chơi ngoài trời hàng chục triệu đồng. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả đề án 404 của Chính phủ và động viên nữ CNLĐ yên tâm làm việc - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Thanh cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn