MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang hỗ trợ lao động nữ trong khu phong toả đang mang thai. Ảnh: Bảo Hân

Hỗ trợ của Tổng LĐLĐVN đã giúp lao động nữ bớt đi khó khăn, thiếu thốn

Đỗ Phương - Bảo Hân LDO | 10/09/2021 06:00
Đó là khẳng định của bà Hà Thị Nga - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà Nga bày tỏ đồng tình và đánh giá cao quyết định hỗ trợ người lao động của Tổng LĐLĐVN, cho rằng đây là quyết định rất kịp thời và phù hợp trong bối cảnh người dân, nhất là những người lao động, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID - 19. Những khoản hỗ trợ này có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, chia sẻ một phần những khó khăn của người lao động, đặc biệt là những khó khăn đặc thù của lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi.

Khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn

Bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - cho biết, dịch bệnh COVID-19 lây lan nhanh trên toàn cầu và Việt Nam tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, đời sống của người dân. Cả hệ thống chính trị và toàn dân ta đã và đang rất nỗ lực, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Bà Nga cho biết, Tổng LĐLĐVN đã có chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động gặp khó khăn như: Hỗ trợ gia đình đoàn viên, người lao động tử vong do bị nhiễm COVID-19 5.000.000 đồng/người; đoàn viên, người lao động là F0 được hỗ trợ mức tối đa là 3.000.000 đồng/người; đoàn viên, người lao động là F1 được hỗ trợ mức tối đa là 1.500.000 đồng/người; đoàn viên, người lao động phải nghỉ việc để cách ly y tế, hoặc đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa... có hoàn cảnh khó khăn hoặc lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi được hỗ trợ mức tối đa là 500.000 đồng/người… 

Bà Nga bày tỏ đồng tình và đánh giá cao quyết định trên của Tổng LĐLĐVN, cho rằng đây là quyết định rất kịp thời và phù hợp trong bối cảnh người dân, nhất là những người lao động, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Những khoản hỗ trợ này dù ít, dù nhiều đều có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, chia sẻ một phần những khó khăn của người lao động, đặc biệt là những khó khăn đặc thù của lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi. 

“Việc thực hiện chính sách này tiếp tục khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn trong chăm lo, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đồng thời củng cố thêm niềm tin của người lao động đối với Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể. Tôi mong rằng Tổng LĐLĐVN tiếp tục quan tâm, hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động nữ, vượt qua khó khăn, dần ổn định việc làm và cuộc sống”- bà Nga chia sẻ. 

Nhờ được hưởng các chính sách của Tổng LĐLĐVN, nhiều lao động nữ mang thai đã bớt đi phần nào khó khăn, thiếu thốn, nhất là những trường hợp trở thành F0 khi mà cuộc sống, việc làm, thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng.  

Trả tiền nhà và mua đồ sơ sinh cho con bằng tiền hỗ trợ  

Chị Vi Thị Kiều N, sinh năm 2000, công nhân Công ty Si Flex Việt Nam (Bắc Giang) vừa mới sinh con được gần 1 tháng nay. Chỉ đến khi “mẹ tròn con vuông”, chị mới thở phào nhẹ nhõm, bởi khi đang mang bầu 30 tuần, chị được phát hiện dương tính với COVID-19, phải điều trị tại bệnh viện dã chiến hơn 1 tháng.  

Chồng chị N cũng làm công nhân, phát hiện mắc bệnh này trước đó. “Lúc đó, vợ chồng tôi trong tình trạng cực kỳ khó khăn, thiếu thốn. Chị gái tôi (làm nghề tự do) bị COVID-19 nên tôi phải gửi tiền hỗ trợ, tài khoản ngân hàng không còn một đồng nào. Chồng tôi thì chỉ còn một vài triệu đồng. Khi đi điều trị, tôi phải vay tiền của đồng nghiệp”- chị N kể lại.  

Khó khăn chồng chất khó khăn vì chị N chỉ được nhận lương tháng 5 (làm đến ngày 11.5) được khoảng 3 triệu đồng; sau đó, tháng 6, 7 chị không có thu nhập. Chồng chị cũng trong hoàn cảnh tương tự và 2 vợ chồng vẫn phải trả tiền phòng trọ 1,3 triệu đồng/tháng.  

Đầu tháng 7, sau khi khỏi bệnh, chị N về quê, sinh con ở quê; chồng chị đi làm trở lại từ cuối tháng 7. “Cách đây gần 1 tháng, tôi nhận được tin nhắn báo tài khoản của tôi được cộng thêm 2 triệu đồng - là số tiền do công đoàn hỗ trợ những người bị bệnh F0 như tôi. Chồng tôi cũng được số tiền tương tự. Vừa khỏi bệnh, lại sinh con, vợ chồng tôi đang rất khó khăn, thiếu thốn mà nhận được số tiền 4 triệu đồng thật là đáng quý” - chị N tâm sự và cho biết, số tiền trên được chị góp vào để trả tiền thuê nhà và mua đồ sơ sinh cho con.

Hỗ trợ kịp thời cho lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ  

Trao đổi với phóng viên chiều 9.9, bà Lê Kim Anh - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội - cho biết: Bên cạnh gói hỗ trợ của Chính phủ và các địa phương, các quyết định hỗ trợ của Tổng LĐLĐVN cho người lao động là rất kịp thời.  

Bà Kim Anh đặc biệt đánh giá cao chính sách đặc thù đối với lao động nữ đang mang thai và nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi. Theo chính sách hỗ trợ của Tổng LĐLĐVN, đoàn viên, người lao động đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi (tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn) phải nghỉ việc để cách ly y tế, hoặc đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được hỗ trợ mức tối đa là 500.000 đồng/người. Đây là sự quan tâm thiết thực của tổ chức công đoàn mang đặc thù giới, giúp chị em là những người mẹ bớt đi phần nào khó khăn trong cuộc sống trước ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. 

“Qua đây, tôi rất mong Quyết định của Tổng LĐLĐVN sớm được triển khai. Tôi đề xuất Tổng LĐLĐVN có thể nâng mức hỗ trợ cho nữ lao động mang thai, nuôi con nhỏ lên 1 triệu đồng/người. Quan tâm thêm đến lao động nữ ở một số ngành nghề đặc thù như nữ công nhân môi trường, nữ lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tại những địa bàn có tình hình dịch đặc biệt phức tạp như: Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội” - bà Lê Thị Kim Anh đề xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn