MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Trần tuấn

Hỗ trợ người lao động tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng: Tìm biện pháp tháo gỡ vướng mắc

Trần Tuấn LDO | 05/06/2020 06:00
Theo quy định, người lao động được hỗ trợ theo gói 62.000 tỉ đồng phải đáp ứng điều kiện: Làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho rằng, điều này là chưa hợp lý.

Sáng 4.6, tại trụ sở Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh Bình Dương, buổi làm việc giữa Đoàn kiểm tra của Uỷ ban Trung ương MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Bình Dương về công tác giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã diễn ra.

Đoàn kiểm tra của Uỷ ban Trung ương MTTQVN gồm đại diện các tổ chức chính trị - xã hội như: Trung ương MTTQVN, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam. Trưởng đoàn là ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN.

Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương - cho hay, theo quy định tại Nghị quyết 42, người lao động (NLĐ) muốn nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng phải đáp ứng 3 điều kiện: Nghỉ việc từ ngày 1.4 đến ngày 30.6, tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đến thời điểm nghỉ việc và làm việc tại các công ty không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương.

“Tôi đã hỏi rất nhiều chủ doanh nghiệp (DN) thì họ đều cho biết: Làm gì có DN nào không có doanh thu. Chỉ cần DN bán vài chai nước cũng đã phát sinh doanh thu rồi. Vì vậy, tôi cho rằng, cần thay đổi quy định này để công nhân, NLĐ tại các DN có thể tiếp cận gói hỗ trợ này” - ông Tuyên nói.

Ông Nguyễn Huỳnh Đình - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh Bình Dương - cũng nêu lên một câu chuyện rất trái ngang: “Những lao động tự do muốn nhận hỗ trợ 1 triệu đồng theo gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng cũng cần phải về quê làm thủ tục xác định địa điểm cư trú, thường trú. Trong khi đó, lao động làm việc tại Bình Dương đến từ nhiều tỉnh phía bắc, miền Tây. Vì vậy, thời gian, chi phí đi lại thực hiện các thủ tục trên thì 1 triệu đồng cũng không đủ”.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - đã tiếp nhận các ý kiến nêu lên bất cập trên của địa phương và đồng thời cho biết sẽ sớm có báo cáo lên các cấp cao hơn để tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc này, sao cho chính sách sát hơn với thực tiễn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn