MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động trong nhà trọ khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Hoa Lê

Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động: Phải kịp thời, công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách

Hoa Lâm thực hiện LDO | 09/03/2022 10:35

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, Bộ LĐTBXH đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Liên quan đến dự thảo của Bộ LĐTBXH, Báo Lao Động phỏng vấn ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐVN, thành viên Ủy ban Quan hệ lao động.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách, Pháp luật Tổng LĐLĐVN.

Xin ông cho biết vì sao phải ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động?

- Ông Lê Đình Quảng: Việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là nhằm khẩn trương triển khai thực hiện những biện pháp đã được nêu trong Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 của Chính phủ để kịp thời phục hồi thị trường lao động, đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người lao động, nhất là người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm đang phải ở thuê, ở trọ; Bảo đảm an ninh, tật tự, an toàn xã hội, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Vậy đâu là nội dung chính của chính sách được thể hiện trong dự thảo Quyết định thưa ông?

- Ông Lê Đình Quảng: Nội dung chính của dự thảo Quyết định là để cụ thể hóa chính sách đã được quy định trong Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ: “Hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm; trong đó mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500.000 đồng/tháng. Thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022”.

Dự thảo Quyết định phân ra 2 đối tượng, gồm: 1 - Người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp; 2 - Người lao động quay lại thị trường lao động. Căn cứ để xác định 2 đối tượng nêu trên dựa vào mốc thời gian giao kết và thực hiện hợp đồng lao động. Hiện tại, dự thảo đang có nhiều ý kiến ủng hộ lấy mốc ngày 1.3.2022.

Đối với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng. Điều kiện để được hỗ trợ: 1 - Đang ở thuê, ở trọ; 2 - Có giao kết và thực hiện hợp đồng lao động; 3 - Đang làm việc trong các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất, hoặc tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm.

Trường hợp người lao động quay lại thị trường lao động, mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng. Đối tượng được hỗ trợ ngoài người lao động làm trong doanh nghiệp còn được mở rộng cho cả người lao động làm việc trong hợp tác xã, hộ kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất, hoặc tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm.

Ngoài ra, dự thảo Quyết định đã quy định cụ thể quy trình thủ tục thực hiện cũng như trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan liên quan.

Xin ông cho biết, quan điểm của ông về việc dự thảo Quyết định lấy ngày 1.3.2022 làm mốc để phân tách thành 2 đối tượng?

- Ông Lê Đình Quảng: Căn cứ để xác định 2 đối tượng (người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay lại thị trường lao động) là dựa vào mốc thời gian giao kết và thực hiện hợp đồng lao động. Do mức hỗ trợ cho 2 đối tượng có sự chênh lệch nhau khá lớn, nên việc xác định mốc thời gian trở nên quan trọng và còn có nhiều ý kiến khác nhau. 

Việc ban soạn thảo chọn mốc ngày 1.3.2022 là thời điểm ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, là thời gian cần để hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, vừa giúp khắc phục được sự thiếu hụt lao động sau Tết như thông lệ, vừa thu hút lao động quay trở lại sau thời gian nghỉ do tác động của đại dịch COVID-19. 

Tham gia hoàn thiện dự thảo Quyết định, Tổng LĐLĐVN đã đề nghị cân nhắc xem xét 2 mốc sau: Phương án 1, lấy ngày 11.1.2022 ngày ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; Phương án 2, lấy ngày 30.1.2022 ngày ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Về trình tự thủ tục thực hiện thì sao, thưa ông?

- Ông Lê Đình Quảng: Về tổng thể, Ban soạn thảo dự thảo Quyết định đã cố gắng đơn giản hóa các trình tự thủ tục thực hiện. Tuy nhiên, do đây là chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp từ nguồn ngân sách, nên về nguyên tắc phải đảm bảo tuân thủ một cách chặt chẽ. Với quan điểm việc hỗ trợ phải bảo đảm kịp thời, đơn giản, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, chúng tôi cũng đã đề nghị tiếp tục rà soát để đơn giản hóa thủ tục như cho phép người lao động nhận hỗ trợ 1 lần, thay cho nhận chi trả hằng tháng.

- Xin cảm ơn ông! 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn