MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các làng nghề đã tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh: Minh Nguyễn

Hòa Bình phát triển làng nghề, tạo việc làm ổn định cho hơn 1.300 lao động

Minh Chuyên LDO | 28/02/2024 08:55

Làng nghề truyền thống ở tỉnh Hoà Bình vừa giúp bảo vệ những nét giá trị văn hoá của địa phương vừa tạo ra nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.

Bà Dương Thị Bin - Trưởng làng nghề truyền thống Dệt thổ cẩm làng Lục (xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn) - cho biết, nghề dệt thổ cẩm ở địa phương đã có từ rất lâu đời và được UBND tỉnh Hoà Bình công nhận từ năm 2013. Đây cũng là làng nghề truyền thống đầu tiên được UBND tỉnh Hoà Bình công nhận. Hiện nay, làng nghề có khoảng 200 hộ tham gia.

Theo bà Bin, trước đây người dân trong làng chủ yếu đi làm ăn xa, làm lao động phổ thông ở các địa phương như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hà Nam...

Sau khi nghề dệt thổ cẩm làng Lục được khôi phục, nhiều người dân đã tranh thủ lúc nông nhàn tham gia sản xuất ra sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống. Nếu làm theo thời vụ, lúc nông nhàn thì thu nhập 1 tháng khoảng 3-4 triệu đồng, còn thợ làm chuyên nghiệp khoảng 8-9 triệu/tháng.

“Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển làng nghề, nâng cao giá trị của sản phẩm, tăng cường đào tạo nghề. Qua đó, bảo tồn giá trị văn hoá của người Mường, cũng như giúp người dân có việc làm ổn định” - vị Trưởng làng nghề này cho biết thêm.

Còn bà Bùi Thị Lán - thợ dệt lâu năm ở xóm Lục - cho hay, trước đây gia đình chủ yếu làm nông nghiệp, bán hàng rong thu nhập không ổn định và thuộc diện hộ nghèo. Sau khi tiếp cận nghề dệt thổ cẩm và được hộ chị em trong làng xóm giúp đỡ tiền vốn nên đã đầu tư khung dệt và bắt đầu làm nghề.

“Hiện nay, mức thu nhập của tôi khoảng 10 triệu đồng/tháng, gia đình cũng đã thoát nghèo, làm được nhà sàn bêtông kiên cố, lo con cái ăn học, mua sắm đầy đủ các tiện nghi trong nhà” - bà Lán nói.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trịnh Ngọc Thuỷ - Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hoà Bình - cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, có 2 làng nghề nấu rượu; 7 làng nghề truyền thống thuộc nhóm ngành nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, thêu ren, đan lát và 2 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Các làng nghề đã tạo ra việc làm ổn định cho hơn 1.300 lao động với mức thu nhập bình quân của người lao động dao động từ 4 - 6 triệu đồng/lao động/tháng.

Theo ông Thuỷ, trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn. Thực hiện phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Triển khai xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, xếp hạng cao, có thế mạnh để có thể phát triển không chỉ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu như dệt thổ cẩm, mây tre đan...

Đồng thời, chú trọng đào tạo, truyền nghề thủ công truyền thống cho người lao động như Dệt thổ cẩm, chế tác đá cảnh, gỗ lũa, thủ công mỹ nghệ... nhằm giúp người lao động có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn... Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và liên kết tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm nhà đầu tư, các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm, liên kết giữa các làng nghề...

Ông Bùi Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hoà Bình - đánh giá, các làng nghề trên địa bàn đã tạo ra việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động nông thôn, giúp người dân có cuộc sống ổn định, thoát nghèo.

Theo ông Cường, năm 2023, tỉnh Hoà Bình đã giải quyết việc làm cho trên 19.000 lao động được tạo việc làm, trong đó có 918 lao động được tuyển đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đồng thời, tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp đạt 19.595 người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn