MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hoạt động Công đoàn ngày càng thiết thực đối với đoàn viên, người lao động

Linh Nguyên LDO | 07/07/2022 06:16
Sáng 6.7, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội nghị lần thứ 28 (khóa XII) dưới sự chủ trì của Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang. Hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến 9 nội dung theo 2 nhóm vấn đề quan trọng. Chủ tịch Nguyễn Đình Khang đề nghị các đại biểu phân tích nguyên nhân, tìm ra giải pháp cho các nội dung, mục tiêu để hoạt động CĐ ngày càng đi vào thiết thực đối với đoàn viên, NLĐ.

Lương tối thiểu vùng và vai trò quan trọng của CĐ

Trong Dự thảo Báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm do Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải trình bày nêu rõ tổ chức CĐ tiếp tục phát huy vai trò đại diện NLĐ trong Hội đồng tiền lương quốc gia, tham gia trình Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12.6.2022 quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động, tăng bình quân 6% từ ngày 1.7.2022. Trước phản ánh của các cấp CĐ về việc một số doanh nghiệp dự kiến sẽ không tiếp tục thực hiện quy định mức lương thấp nhất tại doanh nghiệp cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề, ngày 17.6.2022, Tổng LĐLĐVN và Bộ LĐTBXH đã kịp thời có văn bản số 2086/BLĐTBXH-TLĐLĐVN đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo giải quyết giữ lại tiền lương cho lao động đã qua đào tạo. 

Toàn cảnh Hội nghị Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 28 (khóa XII). Ảnh: Hải Nguyễn 

Về nội dung này, ông Vũ Xuân Thuỷ - Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh - cho biết, các hoạt động và chỉ đạo về thực hiện tiền lương tối thiểu vùng của CĐ được NLĐ đánh giá cao về tính kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Đây chỉ là một trong những ví dụ cụ thể của việc các cấp CĐ tích cực, chủ động bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về các vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách, phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp đảm bảo quyền lợi của NLĐ, nhất là ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Hoạt động đại diện, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đoàn viên, NLĐ được quan tâm, trong 6 tháng đầu năm, đã tiến hành sửa đổi, bổ sung 7.043 bản TƯLĐTT; ký mới 1.701 bản TƯLĐTT, tăng 781 bản so với cùng kỳ năm 2021; đề xuất thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh bữa ăn giữa ca tại 3.814 đơn vị, doanh nghiệp. 

Hoạt động CĐ tại cơ sở đi vào thực chất, bảo vệ quyền lợi đoàn viên, NLĐ

Một vấn đề nhận được nhiều ý kiến thảo luận, trao đổi tại Hội nghị. Đó là quan hệ lao động và phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn cả nước xảy ra 107 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 19 cuộc so với cùng kỳ năm 2021; có một số cuộc ngừng việc kéo dài. Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Duy Minh - Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Đà Nẵng - cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn tới ngừng việc là NLĐ thấy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lãi nhưng không thực hiện các chính sách đã cam kết với NLĐ với lý do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do đó, ông Minh đề nghị cần cung cấp, trang bị cho cán bộ CĐCS một số nghiệp vụ để phát hiện, phân tích nguyên nhân tình trạng này. 

Bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch LĐLĐ TPHCM -  cho biết, dù đến nay dịch bệnh không căng thẳng như trước đây nhưng đánh giá về tình trạng ngừng việc tập thể vẫn cần làm rõ dịch bệnh đã ảnh hưởng đến sản suất kinh doanh, làm ảnh hưởng lương thưởng của NLĐ. Theo bà Thuý, tại Thành phố Hồ Chí Minh có những vụ ngừng việc tập thể là do tiền lương, tiền thưởng của NLĐ và một số nội dung của TƯLĐTT không được thực hiện, duy trì.

Nói về giải pháp của tình trạng này, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải nhấn mạnh đến việc hoạt động CĐ tại cơ sở phải đi vào thực chất để bảo vệ được quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Còn Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu đề nghị cần có những dự báo, thậm chí là dự báo địa bàn về quan hệ lao động để xử lý sớm khi chưa xảy ra ngừng việc. Điều này đòi hỏi phải nắm được tình hình và có dự đối với các doanh nghiệp có nguy cơ cao.

Tại Hội nghị, các Uỷ viên Đoàn Chủ tịch còn cho ý kiến, thảo luận về Tờ trình về việc phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý dự án đầu tư của Tổng LĐLĐVN; Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ tại các doanh nghiệp đến năm 2030”; Báo cáo kết quả hoạt động Tháng Công nhân năm 2022; Tờ trình Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định thay thế Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ ngày 19.12.2016 về việc ban hành quy định về quản lý tài chính, tài sản CĐ, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính CĐ; Quyết định 1764/QĐ-TLĐ ngày 28/12/2020 của TLĐ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tài chính CĐ; Tờ trình Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030”; Tờ trình Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 12b/NQ - BCH ngày 12.7.2017 của BCH TLĐ về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Tờ trình một số nội dung định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII; Báo cáo đánh giá kết quả và tình hình thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa XII) và đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn